Cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga vào tối 7-12 (giờ Moscow) dù được cho là khó tạo sự đột phá nhưng cũng thể hiện nỗ lực của hai nước trong việc kiểm soát căng thẳng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Joe Biden ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6-2021. Ảnh: AP |
Năm 2011, ông Joe Biden và ông Vladimir Putin từng gặp gỡ trực tiếp lần đầu tiên tại Điện Kremlin, lúc ông Biden làm Phó Tổng thống Mỹ. Họ gặp lại nhau vào năm 2014 tại Geneva (Thụy Sĩ) để giải quyết căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Tháng 6-2021, ông Biden có cuộc gặp đầu tiên với ông Putin trên cương vị Tổng thống Mỹ. Cuộc gặp không tạo ra nhiều đột phá nhưng góp phần thúc đẩy Nhà Trắng và Điện Kremlin trao đổi thông tin nhiều hơn. Kể từ đó, hai Tổng thống đã vài lần chuyện trò qua điện thoại.
Mỹ lo ngại Nga tấn công Ukraine
Giờ đây là cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin trong lúc tình báo Mỹ dự đoán Nga có thể lên kế hoạch cho một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine đầu năm sau với 175.000 quân tham gia, theo nguồn tin từ AP. Trong khi đó, Ukraine ước tính số binh sĩ Nga ở biên giới là 100.000.
Mối quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp chưa từng có, nhất là về vấn đề Ukraine khi nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) vốn có quan hệ lịch sử và văn hóa chặt chẽ với Moscow, muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt. Nga rất quan ngại việc NATO - liên minh quân sự hiện có 30 thành viên - mở rộng sự hiện diện tại khu vực gần biên giới nước này cũng như các vấn đề đảm bảo an ninh dài hạn. Vì vậy, khi có thông tin về cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Nga, giới quan sát cho rằng, chủ đề chính của chương trình nghị sự là khủng hoảng Ukraine, việc NATO di chuyển gần tới biên giới của Nga và sáng kiến của nhà lãnh đạo Nga nhằm bảo đảm an ninh. Đó là chưa kể Nga và Mỹ còn trả đũa nhau trong việc trục xuất các nhà ngoại giao về nước.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Biden dùng cuộc hội đàm trực tuyến để nói với người đồng cấp Putin rằng, Nga sẽ chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nhất nếu Moscow tấn công Ukraine. Ngày 6-12, người đứng đầu Nhà Trắng cùng các đồng minh Anh, Đức, Pháp và Ý ra tuyên bố chung cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Nga đi quá giới hạn.
Đối thoại mang tính biểu tượng
Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc Nga lên kế hoạch tấn công Ukraine, đồng thời chỉ trích phương Tây có hành động khiêu khích với việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự của các thành viên NATO ở Biển Đen - nơi Moscow xem là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.
Câu hỏi đặt ra là Tổng thống Putin sẽ hành động như thế nào ở khu vực biên giới Ukraine và có gây áp lực buộc Tổng thống Biden ngăn Ukraine gia nhập NATO hay không. Theo AFP, ông Putin muốn phương Tây cam kết rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên của NATO. Một nguyên tắc quan trọng của NATO là tư cách thành viên được mở cho bất kỳ quốc gia nào đủ điều kiện. Mặc dù có rất ít triển vọng Ukraine sẽ sớm được mời tham gia liên minh, nhưng Mỹ và các đồng minh sẽ không loại trừ điều đó.
Các nhà quan sát cho rằng, việc Tổng thống Putin quyết định hội đàm trực tuyến với Tổng thống Biden giữa lúc căng thẳng với phương Tây dâng cao cho thấy ông coi chủ nhân Nhà Trắng là “người sẵn sàng thảo luận nghiêm túc về những mối lo ngại của Nga”. Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: “Mặc dù quan hệ song phương còn trong tình trạng buồn, nhưng vẫn có sự hồi sinh; đối thoại đang diễn ra ở một số lĩnh vực”.
Tuy nhiên, cả Nhà Trắng lẫn Điện Kremlin đều hạ thấp kỳ vọng về cuộc hội đàm trực tuyến lần này, nghĩa là đây chỉ là đối thoại mang tính biểu tượng nhiều hơn là tạo ra bất kỳ đột phá nào. Dù vậy, kết quả được mong chờ nhất là hai nhà lãnh đạo sẽ thể hiện sự kiềm chế và cam kết giảm leo thang căng thẳng.
PHÚC NGUYÊN