Chính phủ Nhật Bản đang tính toán các giải pháp tăng mức chi ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới (2023-2027) lên 30.000 tỷ yen (263,85 tỷ USD) trong bản kế hoạch dự trù ngân sách sẽ được công bố trong năm 2022.
Chiến hạm có bãi đáp trực thăng Izumo của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tại căn cứ Yokosuka ở tỉnh Kanagawa. (Ảnh tư liệu của AFP) |
Những tháng gần đây, Nhật Bản đã liên tục tăng chi phí quốc phòng trong bối cảnh đối mặt với các nguy cơ an ninh đến từ các quốc gia ở khu vực. Các nguồn tin của báo Mainichi Shimbun (Nhật Bản) cho biết, nội các của Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến phê chuẩn kế hoạch ngân sách tài khóa 2022 sớm nhất là vào ngày 24-12.
Củng cố năng lực răn đe và phản ứng
Nhật báo Nikkei (Nhật Bản) ngày 15-12 nhận định: Con số 30.000 tỷ yen là đã tăng thêm 3.000 tỷ yen so với kế hoạch chi tiêu quốc phòng hiện nay. Theo đó, chính phủ Nhật Bản dự kiến trong 5 năm, kể từ năm 2023, mỗi năm sẽ chi trung bình cho ngân sách quốc phòng khoảng 6.000 tỷ yen (gần 53 tỷ USD). Mức tăng kế hoạch chi tiêu ngân sách trong 5 năm dự kiến công bố trong năm 2022 cũng cho thấy sự chú trọng của chính phủ Thủ tướng Kishida đối với việc nâng cao năng lực phòng vệ và cả việc hỗ trợ lực lượng đồng minh của Nhật.
Báo Japan Times dẫn nhiều nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, Tokyo dự chi tổng cộng hơn 1.000 tỷ yen trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ của nước chủ nhà nhằm duy trì lực lượng quân nhân Mỹ đang đồn trú ở nước này trong 5 năm, kể từ tài khóa 2022 (bắt đầu từ tháng 4-2022). Khoản tiền này sẽ tăng thêm so với mức 980 tỷ yen mà chính phủ Nhật Bản đã chi trả trong các tài khóa từ năm 2016-2020 để duy trì hoạt động của các căn cứ Mỹ cũng như quân nhân Mỹ đồn trú.
Theo nguồn tin của Japan Times, dù mức chi trả của Nhật Bản cho điện, nước, sưởi ấm tại các căn cứ quân sự Mỹ sẽ giảm, nhưng Tokyo chia sẻ nhiều hơn gánh nặng chi phí nhằm giúp tăng cường quan hệ đồng minh quân sự, trong đó có các khoản chi cho những cuộc tập trận chung giữa lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ. Trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động, chính phủ Nhật Bản cho rằng, họ buộc phải tăng chi ngân sách quốc phòng để củng cố năng lực răn đe và phản ứng của quân đội Nhật, cũng như của liên minh Mỹ - Nhật.
Tất yếu phải tăng chi
Chuyện chính phủ Nhật Bản tính toán tăng chi cho ngân sách quốc phòng không khiến các nhà quan sát bất ngờ. Mức tăng này phù hợp với những cam kết do đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đưa ra trong chiến dịch vận động trước cuộc bầu cử hồi tháng 10. Theo đó, LDP cam kết nâng gấp đôi mức chi ngân sách cho quốc phòng, lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính sách trước đó chỉ dành 1% GDP cho quốc phòng, theo Reuters.
Thông tin nói trên cũng hoàn toàn phù hợp với các tín hiệu đã được phát đi trên các diễn đàn chính thức từ các chính trị gia có tầm ảnh hưởng của Nhật Bản thời gian qua. Đầu tháng 12, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã chia sẻ quan điểm rất đáng chú ý khi cho rằng đất nước này cần có năng lực quốc phòng mạnh hơn và cần có thêm những đánh giá về tình hình an ninh thường xuyên hơn. Năng lực răn đe về quốc phòng sẽ ngăn một số nước “kích hoạt nút phóng tên lửa” như ông Abe nêu quan điểm với báo Nikkei.
Ông Abe cho rằng, Nhật Bản cần củng cố sức mạnh quốc phòng để có thể tạo nên sự hợp tác mang tính răn đe mạnh mẽ trước các nguy cơ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong diễn biến liên quan, ngày 15-12, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2021 có tổng trị giá lên tới 36.000 tỷ yen (khoảng 314 tỷ USD). Đây là dự thảo ngân sách bổ sung đầu tiên được đệ trình dưới thời chính phủ Thủ tướng Kishida, tài trợ một phần cho gói kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ngày 7-1-2022, Mỹ - Nhật Bản sẽ đối thoại chiến lược “2+2” Theo Japan Times, Mỹ và Nhật Bản quyết định tổ chức đối thoại các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước tại Washington, D.C (Mỹ) ngày 7-1-2022. Đây là cuộc đối thoại 2+2 đầu tiên dưới thời Thủ tướng Kishida Fumio. Hai bên cũng đang xem xét việc Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken sẽ ký kết một thỏa thuận đặc biệt mới về các khoản chi phí cho binh lính Mỹ đóng tại Nhật. |
TRẦN ĐẮC LUÂN