Thế giới cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó đại dịch

.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng và thế giới nên chuẩn bị tốt hơn để ngăn chặn các đại dịch tiếp theo.

Xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 28-12. Ảnh: AP
Xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 28-12. Ảnh: AP

Khi biến thể Omicron lan rộng toàn cầu trước thềm năm mới 2022, thách thức chiến lược chống dịch của các quốc gia, các chính phủ đang có những động thái khác nhau để ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó, một số nước như Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Iran… áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế; một số nước như Pháp, Úc… vẫn chủ trương nối lại các hoạt động kèm theo các điều kiện nhất định.

Phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) ngày 27-12, Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết, Covid-19 nhắc nhở chúng ta rằng, thế giới vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh cục bộ tràn qua biên giới và bùng phát thành đại dịch toàn cầu. “Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại đối mặt. Khi đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe này, chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo”, hãng tin AP dẫn lời ông Guterres nói.

Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Covid-19 cho thấy sự thất bại của thế giới trong việc rút ra bài học từ những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe như SARS, dịch cúm gia cầm, Zika, Ebola và những bệnh khác. “Các bệnh truyền nhiễm vẫn là mối đe dọa rõ ràng với mọi quốc gia. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch kế tiếp trong lúc vẫn phản ứng với cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại”, ông Guterres nói thêm.

Các ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đang gia tăng, phần lớn do biến thể mới Omicron. Tính đến ngày 28-12, thế giới ghi nhận hơn 281,9 triệu ca nhiễm và 5,4 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers.

Tại Mỹ, giới chức y tế ghi nhận trung bình hơn 176.000 ca nhiễm mới mỗi ngày; riêng ngày 27-12 có gần 300.000 ca. Omicron đang dần thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo ở Mỹ. Song, hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Joe Biden nói rằng, một số bệnh viện có thể quá tải do các ca nhiễm Covid-19 nhưng nước này đã chuẩn bị tốt nên người dân Mỹ không cần lo lắng. Theo trang Our World in Data, 61,8% dân số Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin; 73,6% tiêm 1 liều và 20,1% tiêm mũi tăng cường. “Mọi việc đang tốt hơn”, người đứng đầu Nhà Trắng nói, và lý giải rằng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao nên số ca nhiễm mới ở Mỹ không chuyển thành các ca bệnh nặng.

Trong khi đó, biến thể Omicron khiến châu Âu trở thành điểm nóng dịch bệnh. Pháp có hơn 104.600 ca nhiễm mới trong ngày 25-12, con số cao chưa từng có ở nước này kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo AFP, chính phủ Pháp quyết định không thực hiện giãn cách xã hội, không áp lệnh giới nghiêm, không đóng cửa trường học..., mà từ ngày 3-1 sẽ mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với áp lực lớn: vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động xã hội.

Vương quốc Anh ghi nhận thêm hơn 98.500 ca nhiễm ngày 27-12. Tuy nhiên, không có thêm hạn chế nào được áp đặt ở Anh trước thềm năm mới. Trong khi đó, các hộp đêm phải đóng cửa và các quy định giới hạn tụ tập được áp dụng ở Scotland, Bắc Ireland, xứ Wales.

Ở châu Á, chính phủ Úc không áp đặt các biện pháp hạn chế mới dù nước này vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron. Indonesia có ca đầu tiên nhiễm biến thể mới này trong cộng đồng.

Tại Thái Lan, số ca nhiễm biến thể Omicron tăng gấp 5 lần, từ 104 ca vào ngày 21-12 lên 514 ca vào ngày 26-12. Theo Reuters, giới chức Thái Lan đang tính toán các phương án ứng phó trong trường hợp số ca nhiễm mới có thể tăng lên 10.000 ca, thậm chí 30.000 ca mỗi ngày vào đầu năm 2022.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.