Thế giới sẽ có hiệp ước chống đại dịch

.

Một hiệp ước quốc tế mang thông điệp “Không ai có thể an toàn trừ khi tất cả mọi người đều an toàn” sẽ là cơ sở pháp lý để các quốc gia chung tay chống Covid-19.

Chính phủ Nhật Bản không cho phép khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này trong 1 tháng, kể từ ngày 30-11. Trong ảnh: Ga quốc tế tại sân bay Narita, phía đông Tokyo, vắng vẻ trong ngày 29-11. Ảnh: AP
Chính phủ Nhật Bản không cho phép khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này trong 1 tháng, kể từ ngày 30-11. TRONG ẢNH: Ga quốc tế tại sân bay Narita, phía đông Tokyo, vắng vẻ trong ngày 29-11. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters cho biết, 194 nước thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1-12 thống nhất tiến hành đàm phán xây dựng một hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn và ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Theo đó, các thành viên WHO đồng ý thành lập cơ quan liên chính phủ để soạn thảo và đàm phán công ước, thỏa thuận của WHO, hoặc công cụ quốc tế khác nhằm phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Thỏa thuận cuối cùng về hiệp ước mang thông điệp “Không ai có thể an toàn trừ khi tất cả mọi người đều an toàn” dự kiến có hiệu lực từ năm 2024.

Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp của WHO kéo dài 3 ngày kể từ ngày 29-11 ở Geneva (Thụy Sĩ) theo hình thức trực tuyến và trực tiếp giữa lúc biến thể mới Omicron của SARS-CoV-2 đã lan ra 20 quốc gia/vùng lãnh thổ với 226 ca nhiễm. Tính đến ngày 1-12, thế giới có tổng cộng hơn 263,1 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 5,2 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers.

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Thụy Sĩ Lotte Knudsen gọi việc đàm phán về hiệp ước đại dịch là một quyết định lịch sử. Bà Knudsen cho rằng, thế giới cần có sự thay đổi trong mô hình y tế toàn cầu để cộng đồng có thể phối hợp ứng phó với các đại dịch trong tương lai hiệu quả và nhanh chóng. Hãng tin Reuters dẫn lời Đại sứ Úc Sally Mansfield kêu gọi đoàn kết để thực hiện những công việc khó khăn trước mắt.

Ý tưởng về hiệp ước quốc tế để chống đại dịch đã được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề cập cách đây 1 năm, nhưng không nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc và Nga. Ngày 27-11, trước thềm cuộc họp nói trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Những hỗn loạn đang diễn ra trong đại dịch lần này cho thấy thế giới cần một thỏa thuận toàn cầu để đề ra quy tắc cho việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trong tương lai”. Ông Tedros cũng cho rằng, sự xuất hiện của Omicron nhắc nhở chúng ta chưa xử lý xong Covid-19 và biến thể mới này chỉ ra lý do thế giới cần một hiệp ước chung về đại dịch.

Thực tế, kể từ khi Covid-19 bùng phát, các mô hình hợp tác không đủ khả năng để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế. WHO là cơ quan y tế hàng đầu của thế giới nhưng không có đủ cơ sở để yêu cầu các quốc gia phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Hơn nữa, Covid-19 cho thấy có nhiều lỗ hổng như: thiếu hệ thống cảnh báo toàn cầu về dịch bệnh bùng phát, thiếu quy tắc về an ninh sinh học, thiếu quy tắc về tiếp cận bình đẳng, công bằng các loại thuốc và vắc-xin…

Trong lúc đó, hãng tin AP dẫn lời các quan chức y tế Hà Lan cho biết, các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở nước này không phải được ghi nhận vào ngày 26-11, mà từ ngày 19-11, tức trước khi Nam Phi phát cảnh báo về biến thể mới 1 tuần. Trên khắp Liên minh châu Âu (EU) hiện có 42 ca nhiễm Omicron. Tại Mỹ, theo AP, tuy chưa phát hiện ca nhiễm Omicron nhưng Tổng thống Joe Biden và các nhà chức trách thúc giục người dân tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và tiêm nhắc lại (liều 3). Hiện khoảng 69% người dân Mỹ từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.