Trong tháng 12-2021, các nước nghèo đã từ chối hơn 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 do các liều này còn hạn sử dụng quá ngắn, trong khi các nước tiếp nhận cũng không có đủ cơ sở lưu trữ.
Các lô vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa đến sân bay quốc tế Abuja của Nigeria theo chương trình COVAX vào tháng 3-2021. Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, 100 triệu liều vắc-xin bị các nước nghèo từ chối được cung cấp theo chương trình COVAX - cơ chế phân phối đồng đều vắc-xin trên toàn cầu do Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng sáng lập vào đầu năm 2021.
Phát biểu trước các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu ngày 13-1, bà Etleva Kadilli - Giám đốc bộ phận cung ứng của UNICEF nói rằng, con số 100 triệu liều vắc-xin bị từ chối cho thấy những thách thức của nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu. Vị quan chức UNICEF lý giải, nguyên nhân chính khiến các nước nghèo từ chối vắc-xin là các liều còn hạn sử dụng quá ngắn. Hơn nữa, các nước nghèo không có đủ cơ sở lưu trữ, trong đó có việc thiếu tủ lạnh bảo quản vắc-xin.
UNICEF không cung cấp số liệu cụ thể tổng cộng số liều vắc-xin ngừa Covid-19 bị từ chối kể từ khi triển khai chương trình COVAX. Song, dữ liệu của UNICEF cho thấy có đến 681 triệu liều vắc-xin được bàn giao nhưng chưa được sử dụng và nằm tại cơ sở bảo quản ở 90 nước nghèo trên khắp thế giới.
Theo Reuters, 30 quốc gia, trong đó có Cộng hòa Congo và Nigeria, mới chỉ sử dụng một nửa số liều vắc-xin ngừa Covid-19 mà họ đã tiếp nhận. Trong tháng 11-2021, có 1 triệu liều vắc-xin hết hạn không được sử dụng tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và là nơi sinh sống của hơn 200 triệu người.
COVAX đã phân phối tổng cộng hơn 987 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đến 144 quốc gia/vùng lãnh thổ. Ban đầu, nguồn cung vắc-xin cho các nước nghèo bị thiếu hụt, nhưng trong quý cuối năm 2021, nguồn cung tăng mạnh nhờ việc quyên góp vắc-xin từ các nước giàu.
Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn cung vắc-xin đặt ra một vấn đề mới, đó là nhiều nước nghèo không có đủ năng lực để quản lý vắc-xin chỉ còn thời hạn sử dụng ngắn. Chẳng hạn, một số lô vắc-xin được đưa đến Nigeria hồi năm ngoái theo chương trình COVAX chỉ còn hạn sử dụng 4-6 tuần. Dù các cơ quan y tế Nigeria nỗ lực thì những lô vắc-xin này không thể sử dụng kịp thời hạn. Cộng hòa Congo và Nam Sudan cũng từng gửi trả lại vắc-xin được viện trợ vì không thể sử dụng kịp thời.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhiều lần chỉ trích thực trạng đáng báo động trong vấn đề công bằng vắc-xin. Vậy nên, việc hàng trăm triệu liều vắc-xin bị từ chối, không được sử dụng dẫn đến hết hạn, thoạt nghe qua thì thấy vô lý. Song, thực tế tình trạng thiếu nhân viên, thiết bị và kinh phí đã cản trở các nước triển khai tiêm ngừa nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu.
Theo dữ liệu của WHO, tính đến tháng 1-2022, có đến 67% dân số các nước giàu đã tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19, trong khi chỉ 8% dân số ở các nước nghèo được tiêm mũi đầu. Một quan chức cấp cao của WHO cho hay, việc các quốc gia giàu có tài trợ vắc-xin có thời hạn sử dụng tương đối ngắn là một “vấn đề lớn” đối với COVAX.
Hơn 60 nước triển khai tiêm mũi tăng cường, trong lúc các nhà khoa học cho rằng hiệu quả bảo vệ của vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian, còn virus thì thường xuyên biến đổi, dẫn tới nguy cơ xuất hiện thêm các biến thế mới. Hãng tin AP dẫn thông tin từ Bộ Y tế Israel ngày 14-1 cho hay, nước này đã tiêm mũi 4 cho hơn 500.000 người trên 60 tuổi.
BÌNH YÊN