Quốc tế
Châu Âu muốn thay đổi cách tiếp cận Covid-19
Một số nước châu Âu đang xem xét thay đổi cách tiếp cận đối với Covid-19 sang phương pháp gần giống như điều trị cúm trong lúc biến thể Omicron vẫn lây lan rộng.
Người dân mang khẩu trang khi đi tàu điện ngầm ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha ngày 6-1-2022. Ảnh: AP |
Khi đại dịch Covid-19 được công bố, người dân Tây Ban Nha được lệnh phải ở nhà hơn 3 tháng. Trong nhiều tuần, người dân nước này không được ra ngoài, dù là tập thể dục. Trẻ em không được đến các sân chơi. Nền kinh tế hầu như ngừng hoạt động. Các quan chức Tây Ban Nha cho rằng, các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như thế đã ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế và cứu được nhiều tính mạng.
Giờ đây, sau 2 năm, Tây Ban Nha chuẩn bị áp dụng chiến dịch chống Covid-19 kiểu khác: coi dịch bệnh này là một phần của cuộc sống thường nhật, nghĩa là chấp nhận số ca nhiễm tăng, tập trung chăm sóc những người có nguy cơ nhiễm và những ca bệnh nặng. Cách thức này cũng đang được xem xét tại Bồ Đào Nha và Anh trong lúc biến thể Omicron lây lan nhanh.
Theo AP, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez muốn Liên minh châu Âu (EU) xem xét những thay đổi tương tự nói trên khi biến thể Omicron ít gây tử vong hơn. Tuần trước, ông Sánchez nói rằng, người dân sẽ “phải học cách sống chung với dịch bệnh, giống như cách chúng ta làm với nhiều loại virus khác”. Tây Ban Nha đang sử dụng một hệ thống giám sát mới sau khi số ca nhiễm tăng cao. Quốc gia này gần đây cũng đã nới lỏng các quy định cách ly. Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19 và các nhà chức trách đang thúc đẩy việc tiêm mũi thứ ba.
Tại Đức, báo New York Times cho hay, các chuyên gia y tế không khuyến khích chính phủ áp dụng các hạn chế mới dù số ca nhiễm tăng lên mức kỷ lục hơn 80.400 ca hôm 11-1. Nhà virus học Christian Drosten cho rằng, với hơn 73% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin, Đức có thể sẽ chuyển sang xem Covid-19 là một bệnh đặc hữu.
Ở Bồ Đào Nha, trong bài phát biểu mừng năm mới 2022, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa nói rằng, nước này chuyển sang giai đoạn xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Thế nhưng, số ca nhiễm tăng lên 44.000 ca được ghi nhận hôm 18-1 dẫn đến những ý kiến khác nhau về sự thay đổi này.
Tại Anh, số ca nhiễm gia tăng đang tạo ra áp lực cho Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Các chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở xứ sở sương mù nói rằng, cần sống chung với Covid-19 như bệnh đặc hữu, nhưng sống chung với Covid-19 không có nghĩa là không áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như cúm, bởi SARS-CoV-2 đang thay đổi nhanh chóng và đặt ra những thách thức mới, đồng thời vẫn chưa có một báo cáo nào đánh giá chính xác và đầy đủ mức độ lây lan của biến thể Omicron. WHO không có các tiêu chí rõ ràng để tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, nhưng các chuyên gia của tổ chức này trước đây từng nói rằng điều đó sẽ xảy ra khi virus dễ dự đoán hơn và không có các đợt bùng phát kéo dài.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định phải mất thời gian dài nữa đại dịch mới có thể kết thúc, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây ra nguy cơ nào.
Ngày 20-1, WHO kêu gọi các quốc gia dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về lưu thông, đi lại. “Cần dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh cấm lưu thông quốc tế vì chúng không mang lại thêm giá trị nào, mà chỉ làm gia tăng căng thẳng kinh tế - xã hội (của các nước thành viên WHO)”, tuyên bố của WHO nêu rõ. WHO cũng thúc giục các nước công nhận mọi loại vắc-xin đã được tổ chức này cấp phép, nhất là trong việc đi lại quốc tế; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để có được chiến lược tiêm chủng tối ưu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, mắc bệnh hay tử vong. Điều đáng nói và cũng là vấn đề đặt ra là, theo ông Tedros, dù gần 10 tỷ liều vắc-xin đã được tiêm trên toàn cầu, nhưng vẫn còn gần một nửa dân số hoàn toàn chưa được tiêm chủng.
Theo trang thống kê worldometers, tính đến ngày 20-1, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 339,8 triệu ca, trong đó có trên 5,58 triệu ca tử vong. |
THIÊN BÌNH