Covid-19 sáng 19-1: Thêm 2,6 triệu ca nhiễm mới; Sản xuất đại trà vaccine Pfizer phòng Omicron

.

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2,6 triệu ca nhiễm mới và 6.870 ca tử vong, đưa tổng ca bệnh vượt 334 triệu và trên 5,57 triệu ca tử vong. Vaccine Pfizer phòng Omicron đang được sản xuất đại trà, sắp có mặt trên thị trường.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19-1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng  334.440.889 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 5.571.328 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 2.628.618 và 6.870 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 270.559.108 người, 58.310.453 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 96.747 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 464.769 ca; Mỹ đứng thứ hai với 301.508 ca; tiếp theo là   Ấn Độ (277.740 ca).  Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 887 người chết trong ngày; tiếp theo là  Nga (688 ca) và Ấn Độ (442 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 68.239.371 người, trong đó có 876.012 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 37.896.011 ca nhiễm, bao gồm 487.226 ca tử vong. Nước này lại đang trở thành một điểm nóng lây nhiễm do biến thể Omicron sau một thời gian dài lắng dịu khi vượt qua làn sóng chết chóc đầu năm 2021. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 23.211.894 ca bệnh và 621.517 ca tử vong.  

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 106,7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với  91,35 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 80 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 43,7 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,5 triệu ca và châu Đại Dương trên 2 triệu ca nhiễm.

 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. AFP /TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. AFP /TTXVN

Israel muốn bãi bỏ thẻ xanh Covid-19

Ngày 18-1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Israel Avigdor Liberman đã kêu gọi chấm dứt việc sử dụng rộng rãi Thẻ Xanh (GreenPass) như một chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để được ra vào các địa điểm cố định.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Liberman khẳng định bản thân đang làm việc với "tất cả cơ quan chức năng" nhằm bãi bỏ quy định về GreenPass và "duy trì nhịp sống thường nhật cho tất cả người dân".

Hiện Israel vẫn áp dụng quy định sử dụng GreenPass để vào nhiều địa điểm công cộng hay riêng tư. GreenPass được cấp cho những người đã được tiêm mũi vaccine bổ sung hoặc đã tiêm mũi thứ 2 trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, dữ liệu dịch bệnh cho thấy trong làn sóng lây lan do biến thể Omicron gây ra có rất nhiều ca đã tiêm đầy đủ vaccine nhưng vẫn bị mắc Covid-19.

 Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em tại thành phố Modiin, Israel ngày 12-1-2022. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em tại thành phố Modiin, Israel ngày 12-1-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ca mắc mới tại Nga, Romania và Bulgaria lên mức cao kỷ lục

Ngày 18-1, Nga thông báo có thêm 31.252 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 6-12-2021, đưa tổng số ca trên cả nước lên 10.865.512 ca.

Ủy ban phòng chống dịch Covid-19 của Nga cũng ghi nhận thêm 688 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 322.687 người. Trong khi đó, thêm 24.564 ca khỏi bệnh đưa tổng số ca phục hồi lên 9.902.935 ca. Thủ đô Moskva là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất với 8.342 ca mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 28-10-2021, đưa tổng số ca mắc tại đây lên 2.104.575 ca. Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cùng ngày cho biết đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 1.682 ca mắc biến thể Omicron ở 42 khu vực.

Theo số liệu chính thức mới nhất, khoảng 80 triệu người Nga đã tiêm ít nhất 1 liều vacine tính đến ngày 14-1 và khoảng 77 triệu người đã tiêm đủ liều vaccine.

 Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Romania chứng kiến số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong 3 tháng. Với 16.760 ca ghi nhận ngày 18-1, số ca mới trong ngày tăng hơn gấp đôi so với 1 ngày trước và tiến gần đến mốc cao kỷ lục 18.863 ca hồi tháng 10-2021. Tuy nhiên số ca nhập viện vẫn tương đối thấp.

Ở cao điểm làn sóng dịch thứ 4 hồi cuối tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, Romania đứng đầu các danh sách toàn cầu về số ca tử vong mỗi ngày-1 triệu dân. Dịch Covid-19 đã làm gần 60.000 người tử vong tại đất nước 20 triệu dân này. Romania là quốc gia tiêm vaccine ít thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU), với chỉ gần 41% dân số được tiêm đủ liều.

Bộ Y tế Bulgaria ngày 18-1 cho biết trong 24 giờ qua, số ca mới lên đến mốc cao kỷ lục 9.996 ca, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này lên 830.604 ca. Mốc cao kỷ lục về số ca trong ngày trước đó là 7.062 ca vào ngày 12-1 vừa qua. Về tình hình tiêm chủng, theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu, Bulgaria là thành viên tiêm ít nhất EU với chỉ 28,3% dân số hoàn thành các mũi tiêm cơ bản.

 Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Berlin, Đức, ngày 12-1-2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Berlin, Đức, ngày 12-1-2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Pháp: Số ca nhập viện mới tăng cao nhất kể từ tháng 11-2020

Bộ Y tế Pháp ngày 17-1 cho biết số ca mắc Covid-19 nhập viện tại nước này đã tăng 888 ca lên mức 25.775 ca. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ đầu tháng 11-2020 – trước khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai tại Pháp. Số lượng bệnh nhân Covid-19 điều trị trong bệnh viện cao nhất trước đó là hơn 25.000 ca ghi nhận hôm 17-12-2020. 

Viện nghiên cứu Pasteur tuần trước cho biết đơn vị này từng dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tăng lên mức cao đỉnh điểm vào giữa tháng 1, kế đó số ca nhập viện sẽ lập đỉnh vào nửa cuối tháng này. 

Quốc hội Pháp ngày 16-1 cũng đã phê chuẩn các biện pháp phòng dịch mới nhất của chính phủ, trong đó có việc yêu cầu xuất trình "thẻ thông hành vaccine" khi tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim và đi các chuyến tàu chặng dài. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện có gần 78% dân số Pháp đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản.

Pfizer sản xuất đại trà vaccine ngừa biến thể Omicron

Trang tin ECHO24.cz của Séc dẫn lời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla cuối tuần qua cho biết phiên bản cải tiến của vaccine ngừa Covid-19 của hãng này sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 3-2022 và hãng đang triển khai sản xuất đại trà. Vaccine mới không chỉ ngừa biến thể Omicron mà còn cả những biến thể khác.

Chủ tịch Bourla bày tỏ hy vọng vaccine mới sẽ đạt được khả năng bảo vệ tốt hơn nhiều so với hiện tại. Ông cũng trích dẫn các thông tin nghiên cứu về các loại vaccine hiện tại. Cụ thể, dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy 20 tuần sau mũi tiêm cơ bản thứ hai, cả vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna chỉ có 10% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sau khi nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên hiệu quả của mũi tăng cường (mũi thứ ba) lên đến 75%.

Trong khi đó, người phát ngôn chi nhánh Pfizer tại Séc Tomáš Sazima cũng đã xác nhận hãng đang phát triển vaccine ngừa Omicron. Ông nêu rõ hiện Pfizer cùng công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đang tiếp tục thu thập dữ liệu thí nghiệm bổ sung và đánh giá hiệu quả thực sự của vaccine để xác nhận khả năng phòng ngừa biến thể Omicron. Theo ông, các lô đầu tiên có thể được sản xuất và xuất xưởng trong vòng 100 ngày, tùy thuộc vào tiến độ cấp phép của cơ quan quản lý. Pfizer và BioNTech trước đó đã bắt đầu phát triển một loại vaccine cải tiến vào cuối tháng 11-2021. Hai công ty cũng thông báo kế hoạch sản xuất 4 tỷ liều vào năm 2022.

Australia huy động nhân viên y tế của các bệnh viện tư nhân

Chính phủ Australia vừa “kích hoạt” một thỏa thuận với hệ thống bệnh viện tư nhân, qua đó có thể huy động hơn 57.000 y tá và hơn 100.000 nhân viên của hệ thống này tham gia công tác phòng chống dịch trên khắp đất nước.

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết động thái trên là một phần của kế hoạch ứng phó với đại dịch Covid-19 đã được xây dựng từ trước. Thỏa thuận này được "kích hoạt" trong bối cảnh số ca nhiễm và nhập viện do biến thể Omicron ngày một gia tăng ở hầu hết các địa phương của Australia.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế Australia cũng kích hoạt kho dự trữ y tế quốc gia để hỗ trợ các bang và vùng lãnh thổ đang bị thiếu trang bị bảo hộ cá nhân.

Trong ngày 18-1, Australia ghi nhận 77 ca tử vong do Covid-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Phát hiện nhân tố di truyền gây mất khứu giác hoặc vị giác khi mắc Covid-19

Nghiên cứu về một nhân tố di truyền làm ảnh hưởng đến việc một người có khả năng mất khứu giác hoặc vị giác khi mắc Covid-19 hay không đã được công bố trên tạp chí Nature Genetics. Theo nghiên cứu này, vị trí gene (locus) nằm gần hai gene UGT2A1 và UGT2A2 có liên quan đến việc tăng 11% nguy cơ mắc các triệu chứng trên sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Mất mùi hoặc mất vị là các triệu chứng khác nhau của Covid-19, nhưng không phải ai nhiễm SARS-CoV-2 cũng mắc các triệu chứng này. Hiện chưa rõ các cơ chế gây ra các triệu chứng trên.

Nhà di truyền học Adam Auton và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về gene sử dụng các dữ liệu thăm dò qua mạng từ 69.841 tình nguyện viên (63% nữ và 37% nam) trên 18 tuổi sống tại Mỹ hoặc Anh. Trong số những người dương tính với SARS-CoV-2, có 68% (47.298 người) ghi nhận mất mùi hoặc vị như một triệu chứng. 72% phụ nữ có triệu chứng trên trong khi con số này ở nam giới là 61%. Người có triệu chứng này trẻ hơn người không ghi nhận các triệu chứng này, cụ thể người khoảng 41 tuổi có triệu chứng mất mùi hoặc vì, trong khi người 45 tuổi không có triệu chứng này. Ngoài ra, cũng như các triệu chứng khác được thăm dò, mất mùi hoặc vị thường phổ biến ở những người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhiều hơn so với những người có các triệu chứng như cảm lạnh hoặc cúm nhưng xét nghiệm âm tính.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng một loạt các đột biến nằm gần 2 gene UGT2A1 và UGT2A2 làm tăng 11% khả năng một người sẽ có triệu chứng mất khứu giác hoặc mất vị sau sau khi nhiễm.

Phát hiện này cung cấp manh mối về các cơ chế sinh học gây mất mùi hoặc vị. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu thận trọng rằng dù có quy mô lớn, nhưng nghiên cứu trên chỉ liên quan đến người châu Âu. Hơn nữa, thăm dò không phân biệt sự mất khứu giác với mất vị giác. Nhóm tác giả kết luận rằng cần thêm các nghiên cứu lâm sàng, hơn là chỉ dựa vào các triệu chứng tự khai báo, để hiểu về các cơ chế trên.

Thái Lan xem xét nới lỏng hạn chế

Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ hạ mức cảnh báo dịch Covid-19 cũng như xem xét nới lỏng thêm các hạn chế nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đang chậm lại. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul nêu rõ cảnh báo dịch Covid-19 sẽ được hạ từ mức 4 hiện nay xuống còn mức 3.

Nhà chức trách Thái Lan sẽ xem xét việc nới lỏng các hạn chế và mở cửa trở lại đất nước tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA), do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì vào ngày 20-1.

Người phát ngôn Chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana cho biết CCSA sẽ họp để đánh giá lại đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron gây ra ở Thái Lan và xem xét điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp. Bộ Y tế cũng sẽ đề nghị CCSA thay đổi các khu vực kiểm soát Covid-19 phù hợp với tình hình hiện tại để có thể nới lỏng các hạn chế. Bên cạnh đó, cuộc họp cũng sẽ thảo luận các biện pháp liên quan đến việc đóng cửa đất nước đối với du khách nước ngoài.

Hiện nay, các chủ khách sạn và các nhà khai thác kinh doanh du lịch đang kêu gọi Chính phủ Thái Lan nối lại chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường) cho phép du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều cơ bản chỉ phải ở lại 1 đêm trong khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

Chương trình “Test & Go” đã bị đình chỉ vô thời hạn hôm 7-1 sau sự xuất hiện của biến thể Omicron và các ca mắc mới Covid-19 gia tăng. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp lữ hành đang kêu gọi nối lại chương trình này.

Bộ Y tế Thái lan thông báo ghi nhận thêm 6.397 ca mắc mới Covid-19 và 18 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Kể từ đầu dịch tới nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 2.337.811 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 114.376 ca trong năm 2022. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 21.956 người ở Thái Lan, trong đó có 258 người kể từ đầu năm nay.

Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng tỷ lệ tiêm chủng cao cho thấy nước này có thể mở cửa trở lại một cách an toàn. Tính đến ngày 18-1, Thái Lan đã tiêm hơn 110 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.