­­Covid-19 tới 6 giờ ngày 11-1: WHO dự báo đại dịch sắp kết thúc; Pfizer có thể ra mắt vắc-xin chống Omicron vào tháng 3

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.801.014 trường hợp mắc Covid-19 và 3.921 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 310 triệu ca, trong đó trên 5,5 triệu người không qua khỏi.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại San Jose, Costa Rica. Ảnh: AFP/TTXVN
Một điểm tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại San Jose, Costa Rica. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11-1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19  trên toàn cầu đã lên tới 310.218.279 ca, trong đó có 5.510.683 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch Covid-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 700.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 257.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 37 triệu ca và trên 92.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7-1, thế giới có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.

Với tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” Covid-19 mới.

Đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) David Nabarro ngày 10-1 cho rằng thời điểm kết thúc đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã có thể bắt đầu dự báo được, song trong 3 tháng tới, tình hình y tế toàn cầu sẽ còn rất phức tạp.

Ông Nabarro trên kênh truyền hình Sky News (Anh) đưa ra nhận định: “Tôi e rằng chúng ta đang chạy marathon, nhưng chưa thể nói rằng chúng ta đã đi gần đến đích. Chúng tôi thấy rằng sự kết thúc (của đại dịch) không còn xa nữa. Trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến (về số ca mắc mới Covid-19)”.

Theo chuyên gia của WHO, “virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển” và những biến thể mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Các đợt bùng phát có thể xảy ra sau mỗi 3-4 tháng do sự xuất hiện của các biến thể mới. Đặc phái viên WHO nhấn mạnh cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay rất phức tạp do các nước đang phát triển không đủ khả năng thực hiện những biện pháp hạn chế cứng rắn bởi vì các biện pháp này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 61.263.030 ca mắc và 859.356 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 35.708.442 ca mắc và 483.936 ca tử vong. Số liệu công bố ngày 10-1 cho thấy trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm gần 180.000 ca mới, tăng gần gấp 6 lần so với một tuần trước đó.

Có thể thấy, số ca mắc mới Covid-19 ở Ấn Độ đang tiến gần các mức cao từng ghi nhận trong đợt dịch nghiêm trọng ở nước này hồi năm ngoái. Cùng ngày 10-1, Ấn Độ bắt đầu triển khai tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho các nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi dễ bị tổn thương vì Covid-19. Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ ba và mũi tiêm thứ hai là 9 tháng.

Tại Nhật Bản, nhiều khả năng chính phủ nước này sẽ tiếp tục thắt chặt quy định nhập cảnh đối với người nước ngoài do lo ngại bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ 6.

Phát biểu ngày 9-1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh Covid-19 từ bên ngoài vẫn là một trong các biện pháp quan trọng trong bối cảnh tình hình biến thể Omicron trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá rõ ràng.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ngày 9-1 nước này đã ghi nhận 8.249 ca mắc mới Covid-19. Thủ đô Tokyo ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trên 1.000 ca/ngày, cụ thể là 1.223 ca, trong đó hơn một nửa (617 ca) đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Đa số các chuyên gia y tế của Nhật Bản nhận định nước này đã bước vào giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 6 và tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp hơn do sự xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Almere, Hà Lan ngày 3/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Almere, Hà Lan ngày 3-12-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết đã ghi nhận 36.552 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, cao gấp 3 lần con số cách đây 1 tuần, với biến thể Omicron hiện gây ra khoảng 44% số ca mắc mới tại Đức. Lo ngại dịch bệnh lây lan, Đức đã bổ sung 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp.

Như vậy, cho tới nay, Đức đã đưa tổng cộng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách khu vực có nguy cơ cao. Theo quy định mới, kể từ nửa đêm 9-1, những người đã ở lại các khu vực có trong danh sách “nguy cơ cao” của Đức 10 ngày trước khi đến nước này phải thực hiện các quy định nhập cảnh khắt khe hơn, đó là những du khách chưa tiêm vắc-xin sẽ phải cách ly 10 ngày và làm xét nghiệm Covid-19 sau 5 ngày cách ly. Người có kết quả âm tính có thể kết thúc giai đoạn cách ly.

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, thời gian tự cách ly sẽ tự động kết thúc 5 ngày sau khi nhập cảnh mà không cần phải làm xét nghiệm. Ngoài ra, tất cả du khách đến từ các khu vực rủi ro cao hoặc khu vực có nhiều biến thể đáng lo ngại đều phải hoàn thành Đăng ký kỹ thuật số khi nhập cảnh.

Chính phủ Anh đã yêu cầu các cơ quan y tế ở vùng England nhanh chóng ký thỏa thuận với các đơn vị tư nhân để đảm bảo duy trì các hoạt động điều trị quan trọng trong trường hợp biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đẩy Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) vào tình trạng quá tải.

Đây là chỉ thị mới được Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đưa ra, cho phép các bệnh viện trong hệ thống NHS chuyển các bệnh nhân đến các cơ sở điều trị tư nhân trong các trường hợp cấp thiết như phẫu thuật ung thư và những dịch vụ chăm sóc khác trước đây chưa từng được điều chuyển cho cơ sở tư nhân. Giám đốc điều hành NHS vùng England, David Sloman, cho biết thỏa thuận như trên sẽ giúp các đơn vị chăm sóc tư nhân sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp các bệnh viện của NHS phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân quá lớn hoặc các nhân viên nghỉ việc quá nhiều.

Về tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá quá trình ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 mới do biến thể Omicron tại nước này đang có những tiến bộ nhất định và chính phủ đang xem xét giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày. Cụ thể, ông Johnson cho biết chính phủ đang xem xét giảm thời gian cách ly dựa trên các cơ sở khoa học. Dù đánh giá quá trình phòng dịch đạt tiến bộ lớn nhưng Thủ tướng Johnson vẫn lưu ý rằng số ca nhập viện vì Covid-19 đang tăng, với 18.000 bệnh nhân đang được điều trị trong bệnh viện, khoảng 30% ca mắc cuối cùng phải nhập viện.

Ngày 10-1, Italy bắt đầu áp dụng các quy định mới, cấm những người chưa tiêm phòng Covid-19 đến các nhà hàng hoặc thực hiện các chuyến bay nội địa. Quy định mới, nghiêm ngặt hơn, được áp dụng khi các trường học trên cả nước mở cửa trở lại dù số ca mắc mới tăng.

Cụ thể, từ ngày 10-1 đến 31-3, người muốn đến nhà hàng, khách sạn và phòng tập thể hình, muốn lên xe buýt, tàu, máy bay và tàu thuyền phải có chứng nhận tiêm phòng hoặc chứng nhận mới khỏi bệnh. Khách đến các rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động và các phương tiên giao thông công cộng phải đeo khẩu trang FFP2.

Những người chưa tiêm phòng từ các đảo nhỏ ở Italy được gia hạn thêm thời gian miễn áp dụng các quy định trên để đi tiêm phòng. Người dân các địa phương chỉ có 2 hình thức di chuyển là thuyền và các tuyến bay nội địa có thể tiếp tục đi lại phục vụ học tập và khám chữa bệnh mà không cần các giấy chứng nhận trên.

Ngày 10-1, hầu hết trường học tại Italy mở cửa trở lại để bắt đầu kỳ học mới nhưng vẫn còn khoảng 1.000 hội đồng giáo dục trên cả nước tiếp tục yêu cầu các trường học đóng cửa do lo ngại dịch bệnh. Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên ghi nhận dịch bệnh xuất hiện vào đầu năm 2020 và là một trong những quốc gia có số ca tử vong cao nhất, gần 140.000 ca. Ngày 9-1, Italy ghi nhận hơn 155.000 ca mắc mới. Hơn 86% người dân trên 12 tuổi tại Italy đã được tiêm phòng. Nước này cũng đã mở rộng độ tuổi được tiêm phòng xuống nhóm trẻ nhỏ hơn, với khoảng 15% trẻ từ 5-11 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên.

Tại Trung Quốc, ngày 10-1, chính quyền thành phố An Dương thuộc tỉnh Hà Nam xác nhận 2 ca lây nhiễm cộng đồng Covid-19 tại đây là do biến thể Omicron. Những người này được cho là có liên quan đến cùng một chuỗi lây nhiễm với các ca cộng đồng hiện nay tại quận Tân Nam, thành  phố Thiên Tân.

Trước đó, Thiên Tân phát hiện 2 ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên do biến thể Omicron trong một đợt tái bùng phát dịch mới, tất cả đều ở quận Tân Nam.

Dựa trên điều tra dịch tễ và kết quả giải trình tự gien, nguồn lây tại An Dương được xác định là một sinh viên đại học trở về từ quận Tân Nam, thành phố Thiên Tân, ngày 28-12-2021.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10-1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 57.927 ca mắc mới Covid-19 và 390 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.313.358 trường hợp và 308.193 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Ngày 10-1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt và cao chưa từng thấy, dẫn đầu toàn khối với trên 33.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 14.000 ca mắc mới và 212 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 10/1 ghi nhận thêm trên 7.900 ca bệnh mới và 13 người tử vong.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 6/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 6-1-2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 15 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 120.000, số ca mắc mới trên 600 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 11 người.

Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca Covid-19 mới.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.