Nga tuyên bố sẽ không nhượng bộ bất kỳ sức ép nào của Mỹ và cảnh báo các cuộc đàm phán về an ninh trong tuần này có thể kết thúc sớm. Trong khi đó, Washington không mong đợi sự đột phá nào trong các cuộc đối thoại.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov tham dự cuộc đối thoại an ninh ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10-1. Ảnh: Reuters |
Cuộc đàm phán Mỹ - Nga diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10-1 mở màn cho cuộc họp giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Moscow ở Brussels (Bỉ) ngày 12-1. Sau đó, cuộc tham vấn trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ diễn ra ở Vienna (Áo) ngày 13-1.
Các cuộc nghị sự nói trên là đòn “cân não” giữa Nga và phương Tây khi Moscow bị cho là có động thái chuẩn bị kế hoạch “tấn công” Ukraine. Hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, tại Geneva, Moscow sẽ không nhượng bộ bất kỳ sức ép nào từ phía Mỹ và đối thoại có thể kết thúc sớm thậm chí chỉ sau một cuộc họp. “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ các sức ép hoặc những đe dọa từ các bên tham gia đàm phán”, ông Ryabkov - người dẫn đầu phái đoàn Nga đến Geneva nói.
Tương tự, phía Mỹ cũng không mong đợi sự đột phá nào và cho rằng tiến độ phụ thuộc vào bước đi của Nga. Trả lời phỏng vấn của CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông nghĩ sẽ không có bất kỳ đột phá nào trong các cuộc đàm phán. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ muốn Nga phải giảm leo thang căng thẳng gần biên giới Ukraine để các cuộc ngoại giao diễn ra thành công.
Quan điểm cứng rắn của hai bên báo hiệu triển vọng đàm phán rất mong manh, dù các cuộc nghị sự được tổ chức nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột quân sự, đồng thời định hình quan hệ giữa Nga và Mỹ, giữa Nga và NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Nga đã rút khoảng 10.000 quân khỏi biên giới với Ukraine trước thềm hội đàm tại Geneva. Các quan chức Nga tuyên bố quân đội nước này đã hoàn thành “cuộc tập trận” ở biên giới. Moscow cũng bác bỏ việc có bất kỳ kế hoạch quân sự nào đối với Ukraine và cho rằng động thái triển khai lực lượng trong lãnh thổ Nga là hoàn toàn bình thường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã 2 lần thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về hoạt động quân sự của Nga gần biên giới với Ukraine. Không những thế, ông Biden còn cảnh báo Moscow sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” nếu có động thái tấn công nước láng giềng.
Tháng 12-2021, Nga đề xuất kế hoạch an ninh gồm 8 điểm, đề cập phần lớn các vấn đề an ninh. Nổi bật nhất là Nga yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía đông, bao gồm việc kết nạp Ukraine, Georgia hay các nước từng thuộc Liên Xô (cũ). Moscow cũng yêu cầu Washington không tổ chức các cuộc tập trận ở Ukraine, Đông Âu, các nước vùng Caucasus mà không có sự đồng ý của Nga. Tổng thống Putin cũng từng cảnh báo phương Tây chớ nên dập tắt yêu cầu của Nga trong những cuộc “đàm phán không đi đến đâu”.
Quan hệ Nga và phương Tây, vốn đã xấu đi nghiêm trọng kể từ sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, nay càng lao dốc. Mỹ và các đồng minh dĩ nhiên bác bỏ hoàn toàn yêu cầu NATO không được kết nạp Ukraine, Georgia, hay thành viên nào mới; đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng của tổ chức quân sự này là mở rộng cửa thành viên cho bất kỳ nước nào đủ điều kiện và không một quốc gia nào bên ngoài có quyền phủ quyết điều đó.
Thực tế, theo Reuters, Ukraine và Georgia chưa sẵn sàng gia nhập NATO, cũng như có ít triển vọng sẽ được kết nạp sớm. Song, các đồng minh phương Tây khẳng định cánh cửa NATO vẫn để ngỏ cho họ.
Các nhà quan sát cho rằng, các hoạt động ngoại giao liên tiếp trong tuần này sẽ giúp định hình một quá trình đàm phán nếu các bên sẵn sàng làm việc nghiêm túc và kỹ càng. Tuy nhiên, với mối quan hệ căng thẳng cùng nhiều quan điểm khác biệt như hiện nay, các bên sẽ không thể giải quyết những vấn đề được đặt ra một sớm một chiều. Hơn nữa, thật khó để lạc quan về triển vọng cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga, nhưng giới quan sát vẫn tin rằng mối quan hệ giữa hai cường quốc có thể được cải thiện trong một số lĩnh vực nhất định, để rồi theo đó nút thắt sẽ được dần tháo gỡ.
PHÚC NGUYÊN