Kể từ năm 2014 đến nay, quan hệ giữa Nga với Mỹ nói riêng và Nga với phương Tây nói chung ngày càng rơi vào tình trạng tồi tệ; thậm chí, nguy cơ đối đầu xung đột vũ trang dần dần xuất hiện khi cả đôi bên đều đưa ra “lằn ranh đỏ” cho nhau.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 6-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí sẽ tiến hành đối thoại, coi đây là diễn đàn để hai nước trực tiếp giải quyết các lo ngại về an ninh và các giải pháp khả thi nhằm tránh điều “tồi tệ” nhất có thể xảy ra.
Tiếp theo các cuộc họp vào tháng 7 và tháng 9-2021, ngày 10-1-2022, tại Geneva (Thụy Sĩ) đã diễn ra cuộc đối thoại cấp cao an ninh Nga - Mỹ lần thứ ba. Sau hơn 7 giờ đồng hồ thảo luận, hai bên đã kết thúc đàm phán mà không đạt được kết quả đột phá nào.
Tại họp báo sau hội đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, mặc dù hai bên còn “rất vênh” nhau trong một loạt vấn đề, nhưng phía Mỹ tỏ ra coi trọng các đề xuất của Moscow về bảo đảm an ninh và tiến hành nghiên cứu sâu về những đề xuất này. Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh, tiến trình đàm phán với Mỹ về chủ đề bảo đảm an ninh là rất khó khăn, nếu không có “đột phá và nhượng bộ” thì không thể vượt qua các vấn đề gai góc.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, đối thoại an ninh Nga - Mỹ tại Geneva là bước khởi đầu tích cực để hai bên duy trì đối thoại trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan vấn đề Ukraine. Theo ông Peskov, vẫn còn quá sớm để rút ra kết luận về các cuộc đối thoại mà ông đánh giá là thực chất, trực tiếp và cởi mở này; đồng thời cho biết dù Nga không đề ra hạn chót nhưng nước này không hài lòng về việc kéo dài vô thời hạn quá trình đàm phán.
Về phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đánh giá Washington và Moscow đã hiểu rõ hơn về các mối quan tâm và ưu tiên của nhau sau cuộc gặp. Theo bà Sherman, nếu Nga ở lại bàn đàm phán và thực hiện các bước cụ thể để giảm căng thẳng, hai bên có thể đạt được tiến bộ.
Tiếp theo cuộc đối thoại an ninh với Mỹ, Nga còn tham gia hai vòng đối thoại khác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) ngày 12-1 và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna (Áo) ngày 13-1.
Như vậy, chỉ trong một tuần, các bên liên quan giữa Nga với Mỹ và phương Tây có liên tiếp 3 cuộc đối thoại quan trọng nhằm tìm các giải pháp xây dựng lòng tin, bảo đảm an ninh cho nhau và tránh đối đầu vũ trang. Điều đó cho thấy, dù Nga và Mỹ cùng các đồng minh liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn cũng như hành động “nguy hiểm” trên thực địa, nhưng vẫn coi đối thoại là bước đi đầu tiên quan trọng và thích hợp nhất nhằm tránh thảm họa chiến tranh.
Ông Stephane Dujarrick, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, nói rằng LHQ vẫn đang nghiên cứu kết quả của cuộc đàm phán an ninh tại Geneva, đồng thời hoan nghênh nỗ lực triển khai những cuộc thảo luận ở cấp cao như vậy.
Trong khi đó, GS. Sven Biscop của Trường Đại học Ghent (Bỉ) - chuyên gia tại Trường Cao đẳng Quốc phòng và An ninh châu Âu, nhận định: Cả Nga lẫn Mỹ đều cần nhượng bộ trong các cuộc đàm phán song phương tại Geneva về ổn định chiến lược và an ninh ở châu Âu. Theo chuyên gia này, các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga nhất trí rằng đã đến lúc “bắt đầu đàm phán nhanh chóng” để đạt tiến triển trong các vấn đề vũ khí chiến lược Mỹ - Nga, quan hệ NATO - Nga và an ninh ở châu Âu, liên quan chủ yếu đến Ukraine. Chuyên gia cho rằng, cuộc hội đàm sẽ giúp định hình một quá trình đàm phán nếu cả hai bên đều sẵn sàng làm việc nghiêm túc và kỹ càng, song với lập trường khác biệt, các vấn đề đang được thảo luận sẽ không được giải quyết trong vài ngày hoặc vài tuần.
Như vậy, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, quan hệ giữa Nga với Mỹ cùng các đồng minh phương Tây lại bước vào giai đoạn khủng hoảng “tồi tệ” nhất. Những lý do, khúc mắc không còn thể hiện bằng những ngôn từ “bóng gió” mà đã được công khai và đặt lên bàn đàm phán.
Như các nhà quan sát đánh giá, cách duy nhất để tránh điều tồi tệ có thể dẫn đến đối đầu quân sự là các bên liên quan phải “nhượng bộ” nhằm hóa giải sự dị biệt mà thôi.
TUYẾT MINH