Pháp khẳng định vẫn còn chỗ cho giải pháp ngoại giao để giảm nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và phương Tây liên quan Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở thủ đô Berlin ngày 25-1 nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thúc đẩy đối thoại với Nga mặc dù căng thẳng giữa Moscow và phương Tây leo thang trong những ngày gần đây. Cụ thể, ông Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm nhằm đưa ra lộ trình giảm căng thẳng. Điện Élysée cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán marathon giữa các cố vấn Nga, Ukraine, Pháp và Đức theo thể thức Normandy vào ngày 26-1 tại thủ đô Paris, đánh dấu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi Moscow đưa binh sĩ đến gần biên giới Ukraine.
Theo AP, các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy nói trên dường như giúp các bên có thêm thời gian khi họ thống nhất sẽ gặp lại sau 2 tuần. Song, chiến lược ngoại giao của Pháp đang làm phức tạp những nỗ lực của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc tập hợp một mặt trận đoàn kết chống lại Nga. Các chuyên gia đặt câu hỏi rằng, liệu nỗ lực của Paris có ngăn Moscow tấn công Ukraine hay không.
Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, cuộc điện đàm của Tổng thống Macron và Tổng thống Putin ngày 27-1 có 2 mục tiêu, đó là “tiếp tục đối thoại” và “thúc đẩy Nga làm rõ lập trường cũng như mục đích điều động quân sự”. Theo người phát ngôn này, Tổng thống Macron đang nỗ lực giảm căng thẳng và nhà lãnh đạo Điện Élysée sẽ nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong những ngày tới. Chuyên gia về địa chính trị người Pháp Dominique Moïsi nói với hãng tin AP rằng, Tổng thống Macron cố gắng cài đặt lại mối quan hệ giữa Paris và Moscow.
Việc Nga đưa khoảng 100.000 binh sĩ đến gần Ukraine được cho là nhằm chuẩn bị tấn công quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, mặc dù Moscow bác bỏ những đồn đoán này. Moscow cũng lý giải, nước này đang tổ chức diễn tập quân sự trong phạm vi lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh NATO của Washington vẫn lo ngại, thậm chí chuẩn bị một tình huống xấu nhất.
Về vấn đề Ukraine, nội bộ EU có những quan điểm khác nhau. Đức, Pháp, Ý cho rằng, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát và có thể tìm giải pháp thông qua ngoại giao. Thế nhưng, các nước Baltic, Ba Lan, Thụy Điển muốn củng cố năng lực quân sự để ngăn cản động thái của Nga, theo Reuters.
Trong quá khứ, ngoại giao châu Âu từng giúp xoa dịu khủng hoảng. Đàm phán theo thể thức Normandy đã làm giảm căng thẳng hồi năm 2015, một năm sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga và lực lượng nổi dậy bắt đầu các hoạt động chống lại chính phủ Kiev ở đông Ukraine.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, ông Macron đã mời ông Putin đến dự cuộc gặp ở Cung điện Versailles lộng lẫy. Ông Macron còn mời nhà lãnh đạo Nga đến dinh thự mùa hè của ông tại khu nghỉ dưỡng Fort de Bregancon nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine trong suốt mùa hè 2019.
Theo AP, Tổng thống Macron cho rằng, việc Mỹ và Nga nối lại đàm phán trong những tuần gần đây là điều rất tốt, nhưng ông không thấy kết quả cụ thể nào.
Trong khi đó, AFP dẫn tuyên bố của Điện Kremlin ngày 27-1 cho rằng, vẫn có chỗ cho giải pháp đối thoại với Mỹ. Song, dường như các yêu cầu bảo đảm an ninh mà Nga đã đặt ra trước đó không được Washington lưu tâm. Trong những bình luận riêng lẻ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ hy vọng khởi động đối thoại nghiêm túc.
Vấn đề mấu chốt là Nga muốn NATO ngừng kế hoạch kết nạp Ukraine làm thành viên; Mỹ và NATO phải bảo đảm việc không triển khai vũ khí tấn công trên lãnh thổ Ukraine gây đe dọa an ninh cho Nga. Moscow cũng muốn Washington hồi đáp bằng văn bản những đề xuất bảo đảm an ninh như một phần trong các cuộc đàm phán nhằm tránh leo thang căng thẳng ở Ukraine.
Thực tế, Mỹ từng tuyên bố không từ bỏ “chính sách mở cửa” của NATO. Thế nhưng, rất ít triển vọng để Ukraine gia nhập NATO trong ngắn hạn. Như vậy, cánh cửa đàm phán với Nga không đóng sập hoàn toàn.
PHÚC NGUYÊN