Mỹ - nhà bảo trợ hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - từ chối các đề xuất để cơ quan này trở nên độc lập hơn. Điều này làm dấy lên những hoài nghi về sự ủng hộ của chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với WHO.
Hãng tin Reuters cho biết, các đề xuất do nhóm công tác về tài chính bền vững của WHO đưa ra, trong đó có việc tăng dần mức đóng góp hằng năm của mỗi quốc gia thành viên kể từ năm 2024. Mức đóng góp này sẽ chiếm 1/2 ngân sách cốt lõi 2 tỷ USD của WHO vào năm 2028, so với mức dưới 20% hiện nay. Tuy nhiên, trao đổi với Reuters, các quan chức Mỹ nói rằng, Washington phản đối việc cải cách do lo ngại khả năng của WHO trong việc đối đầu với các mối đe dọa trong tương lai, bao gồm cả từ phía Trung Quốc. Mỹ đang thúc đẩy thành lập một quỹ riêng do các nhà tài trợ trực tiếp quản lý cho việc phòng ngừa và kiểm soát các trường hợp khẩn cấp về y tế.
Ngân sách chính của WHO nhằm chống đại dịch và củng cố hệ thống chăm sóc y tế trên toàn thế giới. Ngân sách này tăng thêm 1 tỷ USD mỗi năm để giải quyết những thách thức y tế toàn cầu như các bệnh nhiệt đới và cúm. Những người ủng hộ kế hoạch cho rằng, việc phụ thuộc vào nguồn tài trợ tự nguyện từ các quốc gia thành viên cũng như các tổ chức từ thiện buộc WHO phải tập trung vào những ưu tiên do các nhà tài trợ đặt ra. Các nhà tài trợ đến từ Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ kế hoạch, cùng với hầu hết các nước châu Phi, Nam Á, Nam Mỹ và Arab.
Đề xuất nói trên sẽ được Ban điều hành WHO thảo luận trong cuộc họp tuần này.
THIÊN BÌNH