Quốc tế
Mỹ và Iran sẵn sàng đàm phán trực tiếp
Lần đầu tiên Iran tuyên bố để ngỏ đàm phán trực tiếp về vấn đề hạt nhân với Mỹ, trong lúc Washington cũng khẳng định sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tehran.
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Bagheri Kani đến Vienna (Áo) để tham gia cuộc đàm phán gián tiếp ngày 3-12-2021. Ảnh: THX |
Hãng tin AFP cho rằng, việc cả Mỹ lẫn Iran đều để ngỏ khả năng đàm phán trực tiếp là tín hiệu tích cực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tehran, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh: “Nếu chúng tôi tiến đến giai đoạn đạt được thỏa thuận có lợi với những bảo đảm mạnh mẽ vốn đòi hỏi phải đàm phán trực tiếp với Mỹ thì chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn này”.
Sau đó, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington chuẩn bị gặp gỡ trực tiếp. “Từ lâu, chúng tôi đã có quan điểm: Đàm phán trực tiếp với Iran sẽ hiệu quả hơn, về cả đàm phán JCPOA lẫn những vấn đề khác”, AFP dẫn lời người phát ngôn này nói, đồng thời lý giải thêm rằng đàm phán trực tiếp sẽ cho phép giao tiếp hiệu quả hơn giữa hai bên và đây là lựa chọn “rất cần thiết để nhanh chóng đạt được nhận thức về việc cùng quay trở lại tuân thủ JCPOA”.
Từ tháng 4 năm ngoái, Iran tiến hành các vòng đàm phán gián tiếp với Mỹ ở Vienna (Áo) thông qua các cường quốc tham gia JCPOA (P4+1, tức chỉ trừ Mỹ). Đàm phán gián đoạn trong 2 tháng khi Iran tổ chức bầu cử tổng thống và được nối lại vào cuối tháng 11. Rồi đàm phán tiếp tục bị gián đoạn trong kỳ nghỉ năm mới và được nối lại vào ngày 3-1-2022, có bổ sung một số yêu cầu của Iran vào tiến trình làm việc. Song, các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung vì không ai chịu nhượng bộ.
JCPOA ràng buộc các hoạt động làm giàu uranium của Iran trong giới hạn để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran vì cho rằng thỏa thuận không thể ngăn nước Cộng hòa Hồi giáo chế tạo các loại tên lửa đạn đạo đe dọa Washington cũng như đồng minh trong khu vực.
Khác với ông Trump, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn khôi phục và cuối cùng là mở rộng JCPOA nhằm đặt ra nhiều giới hạn hơn đối với hoạt động hạt nhân, quân sự của Iran.
Tuy nhiên, sau nhiều vòng đàm phán gián tiếp không thành công, giới quan sát cho rằng có thể có một thỏa thuận tạm thời. Theo đề xuất của Nga, thỏa thuận tạm thời có thể bao gồm việc dỡ bỏ một số lệnh cấm vận để đổi lấy việc tái áp đặt một vài hạn chế với chương trình hạt nhân của Iran. Hiện Tehran bác bỏ thông tin đã thảo luận với Moscow về vấn đề này.
Hãng tin Reuters cho hay, năm ngoái, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei - người có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề của Tehran - cấm các quan chức nước này đàm phán trực tiếp với Mỹ. Chưa rõ ông Khamenei có “bật đèn xanh” hay không, nhưng các nhà đàm phán cảm thấy việc gặp gỡ trực tiếp sẽ có thể tháo gỡ các vướng mắc trong lúc này.
Hơn nữa, sáng sớm 24-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói với báo giới rằng, có thể đạt thỏa thuận về vấn đề phóng thích các tù nhân Mỹ và Iran cũng như về hạt nhân. “Nếu bên kia (Mỹ) quyết tâm thì khả năng chúng tôi đạt được một thỏa thuận lâu dài và đáng tin cậy cho cả hai bên trong thời gian ngắn nhất là rất có thể”, người phát ngôn Khatibzadeh cho biết. Iran đang giam giữ 4 công dân Mỹ, trong khi Washington cũng đang giữ 4 công dân Iran.
Mỹ vẫn cho rằng, bóng ở trong sân Iran và Tehran phải có những bước đi cần thiết để trở lại JCPOA. Còn Iran muốn việc dỡ bỏ trừng phạt là yếu tố quyết định. Vì vậy, dù hai bên đã đưa ra tín hiệu lạc quan, nhưng đàm phán sẽ tiếp tục bế tắc nếu mỗi bên không chịu nhường nhau một chút.
HOÀNG DƯƠNG