Mỹ và Nga đưa khí tài quân sự rầm rộ đến sát Ukraine để tập trận, khiến căng thẳng giữa Moscow và phương Tây càng thêm nghiêm trọng trong bối cảnh ngoại giao bế tắc.
Đoàn xe quân sự Nga trên một tuyến đường cao tốc ở Crimea ngày 18-1. Ảnh: AP |
Theo AP, với hàng ngàn binh sĩ Nga hiện diện ở gần biên giới Ukraine, Điện Kremlin khiến Mỹ và các đồng minh của Washington đồn đoán về khả năng Moscow sắp tấn công quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này. Các nhà quan sát thậm chí lo ngại căng thẳng sẽ bùng phát thành xung đột quân sự nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai đến nay.
Bất chấp sức ép và đe dọa áp đặt trừng phạt từ Mỹ nếu xảy ra một cuộc tấn công Ukraine, Nga thông báo sẽ triển khai thêm các cuộc tập trận tại 4 vùng biển Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Bắc Cực, Địa Trung Hải, với sự tham gia của hơn 140 tàu chiến và tàu hỗ trợ, hơn 60 máy bay, 1.000 thiết bị quân sự cùng khoảng 10.000 quân nhân. Động thái này phản ánh những nỗ lực của Nga trong việc ngăn chặn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “đông tiến”.
Trong lúc đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng, Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận mang tên “Neptune Strike 2022” từ ngày 24-1 đến 4-2 ở Địa Trung Hải nhằm chứng minh NATO có khả năng thống nhất năng lực tấn công hàng hải tầm cao của một nhóm tác chiến tàu sân bay, để hỗ trợ mục tiêu ngăn chặn và phòng thủ của liên minh. Song, AP dẫn lời người phát ngôn Kirby cho hay, cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn này đã được chuẩn bị từ năm 2020, không liên quan đến mối lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine.
Thực tế, Mỹ và các nước châu Âu ngày càng lo lắng nguy cơ xảy ra cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trong 3 thập niên. Mỹ và NATO cũng nhiều lần bác bỏ cái mà Nga cho là “lằn ranh đỏ”, bao gồm việc bảo đảm liên minh 30 thành viên này không mở rộng về phía đông và không hiện diện quân sự tại Ukraine.
Ngày 17-1, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ đô Berlin để thảo luận về hoạt động tập trung lực lượng quân sự của Nga ở dọc biên giới Ukraine. Ông Stoltenberg cho rằng, đây là thời điểm quyết định của an ninh châu Âu và Moscow sẽ phải trả giá đắt nếu động binh. Các giải pháp ngoại giao thông qua đàm phán giữa Nga với Mỹ và phương Tây trong những ngày qua cũng thất bại. Điện Kremlin tuyên bố đang dần mất kiên nhẫn và mô tả tình hình tại Ukraine là “vấn đề sống còn”.
Chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Nga Fyodor Lukyanov nhận định, không thể tránh khỏi việc Moscow và phương Tây có quan điểm khác biệt, thậm chí căng thẳng leo thang trong các cuộc đàm phán. “Căng thẳng sẽ ở mức cao, bao gồm cả các cuộc biểu dương vũ lực không cần thiết diễn ra ở gần hoặc bên trong Ukraine”, chuyên gia này viết trong một bài bình luận.
Bế tắc trong đàm phán xoay quanh Nga muốn NATO bảo đảm không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine, không lắp đặt vũ khí chiến lược ở các nước từng thuộc Liên Xô cũ và rút hết quân khỏi các nước Đông Âu đã tham gia liên minh sau Chiến tranh Lạnh. Còn Mỹ và các đồng minh cho rằng, NATO không thể hứa hẹn vĩnh viễn việc không kết nạp Ukraine và thẳng thừng các bỏ các yêu cầu còn lại.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập một cuộc họp các giới chức phụ trách an ninh quốc gia tại Trại David (bang Maryland) để thảo luận về tình hình Ukraine và sự can dự ngoại giao với Nga. Hiện chưa rõ động thái tiếp theo của Mỹ và Nga khi các yêu cầu an ninh của Moscow không được Washington và NATO đáp ứng. Song, xung đột quân sự có lẽ là điều mà cả Mỹ lẫn Nga đều không mong muốn. Vì vậy, giải pháp được kỳ vọng trong thời gian tới là một sự thỏa hiệp để tránh căng thẳng leo thang hơn nữa.
VĨNH AN