Những cảnh báo từ Diễn đàn Davos

.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2022 đã khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Alps ở Davos (Thụy Sĩ), theo hình thức trực tuyến, kéo dài từ ngày 17 đến 21-1. Đây là năm thứ hai liên tiếp sự kiện đặc biệt quan trọng này không thể diễn ra trực tiếp do ảnh hưởng Covid-19.

Với chủ đề “Cùng nhau làm việc, khôi phục lòng tin”, WEF 2022 tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng như các doanh nhân và đại diện các tổ chức xã hội dân sự cùng nhìn nhận lại thực trạng của thế giới trong năm qua, thể hiện quan điểm về tình hình thế giới và định hình các giải pháp cho những thách thức quan trọng của năm nay.

Các phiên thảo luận chính của WEF 2022 xoay quanh các chủ đề: đại dịch Covid-19, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi năng lượng, khủng hoảng khí hậu, phát triển bền vững và triển vọng kinh tế toàn cầu… Các diễn giả chia sẻ quan điểm về hợp tác quốc tế nhằm đẩy lùi đại dịch và phân phối vắc-xin cũng như thuốc điều trị Covid-19 một cách công bằng, hợp lý.

Bài phát biểu đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres đã nêu 3 vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết:

Một là, cần chú ý những thách thức đang đối mặt với đại dịch Covid-19 bằng sự bình đẳng và công bằng. Ông Guterres nói: “Nếu chúng ta không tiêm phòng cho mọi người, chúng ta sẽ tạo ra các biến thể mới lây lan qua biên giới, khiến cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế bị đình trệ”. Để bảo đảm công bằng về vắc-xin, ông Guterres kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất ưu tiên cung cấp vắc-xin cho chương trình COVAX, hỗ trợ địa phương sản xuất các thử nghiệm vắc-xin và phương pháp điều trị trên khắp thế giới.

Tổng Thư ký LHQ cũng yêu cầu các công ty dược phẩm đoàn kết với các nước đang phát triển bằng cách chia sẻ giấy phép, bí quyết và công nghệ để tìm cách thoát khỏi đại dịch nhanh chóng nhất.

Hai là, cần thiết phải cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, đặc biệt khi các nước thu nhập thấp gặp bất lợi lớn và đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong một thế hệ. Ông Guterres nói: “Những gánh nặng của lạm phát kỷ lục, không gian tài khóa bị thu hẹp, lãi suất cao, giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt đang tác động đến mọi nơi trên thế giới, cản trở sự phục hồi, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều này ngăn cản bất kỳ hy vọng tăng trưởng nào bằng cách khiến các chính phủ khó khăn hơn trong việc đầu tư vào các hệ thống bền vững và có khả năng phục hồi”. Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp giúp hình thành một hệ thống tài chính toàn cầu hoạt động cho tất cả các quốc gia.

Ba là, hỗ trợ hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển là lĩnh vực cần được quan tâm ngay lập tức, đặc biệt khi lượng phát thải toàn cầu dự kiến tăng 14% vào năm 2030. Ngay cả khi tất cả các nước phát triển giữ lời hứa giảm mạnh lượng khí thải vào năm 2030, lượng khí thải toàn cầu sẽ vẫn quá cao để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C. Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải toàn cầu trong thập niên này. Các cú sốc khí hậu, bao gồm cả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đã buộc 30 triệu người phải rời bỏ nhà cửa chỉ riêng trong năm 2020 - nhiều gấp 3 lần so với những người phải di dời do chiến tranh và bạo lực. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng có nguy cơ tác động tới khoảng 1 tỷ trẻ em trên toàn thế giới.

Ông Guterres đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy “sát cánh cùng nhau để biến năm 2022 thực sự trở thành thời khắc của sự phục hồi”.

Trong khi đó, bài diễn văn trực tuyến tại WEF 2022 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bảo vệ chủ nghĩa đa phương và cảnh báo về các quan hệ căng thẳng hiện nay trên thế giới.

Ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF cho rằng, chương trình nghị sự Davos 2022 là điểm khởi đầu cho cuộc đối thoại cần thiết hướng tới sự hợp tác toàn cầu vào năm 2022. Trong một thế giới đầy bất ổn và căng thẳng, các đối thoại cá nhân quan trọng hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo có nghĩa vụ làm việc cùng nhau và xây dựng lại lòng tin, tăng cường hợp tác toàn cầu và hướng tới các giải pháp bền vững.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.