Trong tuần qua, cuộc gặp giữa quan chức cấp cao Mỹ-Nga xoay quanh vấn đề Ukraine và công tác khắc phục hậu quả núi lửa phun trào, sóng thần tại Tonga là vấn đề được dư luận thế giới quan tâm.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Lavrov. Ảnh: Reuters |
Washington và Moskva đã tìm biện pháp để giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine qua các cuộc đối thoại cấp cao ở Geneva (Thụy Sĩ). Tuy nhiên, các cuộc họp này chưa đem lại kết quả đột phá nào.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp kéo dài 90 phút với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ngày 21-1 ở thời điểm chính ông Blinken miêu tả là “then chốt” của vấn đề Ukraine.
Cả Nga và Mỹ đều cho biết họ sẵn sàng cho các cuộc đối thoại khác nhưng lại đẩy trách nhiệm cho nhau về phía cần có động thái trước để giảm căng thẳng.
Ngoại trưởng Mỹ sau đó nhận định rằng các cuộc thảo luận đã đưa Washington cùng Moskva lên “con đường rõ ràng hơn để hiểu lập trường của nhau”. Ông Blinken đồng thời bổ sung rằng hiện nay Nga đối mặt với một lựa chọn: “Moskva có thể chọn con đường ngoại giao dẫn đến hòa bình và an ninh hoặc con đường chỉ dẫn đến xung đột với hậu quả nghiêm trọng cùng chỉ trích của quốc tế”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov lại đánh giá Mỹ là phía nhận trách nhiệm và ông kêu gọi Washington phản hồi các đề xuất về an ninh của Moskva. Nga cho rằng những đề xuất này là cần thiết cho an toàn của nước này cũng như ổn định khu vực.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng miêu tả cuộc gặp với Ngoại trưởng Blinken là cởi mở và hữu ích nhưng Điện Kremlin vẫn chưa biết được liệu các cuộc đối thoại có đi đúng hướng hay không cho đến khi nhận được phản hồi từ Mỹ về các đề xuất an ninh của Moskva.
Phóng viên của kênh Al Jazeera là Natacha Butler nhận định rằng rõ ràng Mỹ và Nga vẫn bất đồng dù có tiếp tục đối thoại ngoại giao sau cuộc họp hôm 21-1. Phóng viên Butler nói: “Không có đột phá và sửa chữa, điều mà Nga cùng Mỹ thống nhất chỉ là tiếp tục theo đuổi đối thoại”.
Đoàn xe thiết giáp của Nga di chuyển trên cao tốc tại Crimea ngày 18-1. Ảnh: AP |
Khi phóng viên đặt câu hỏi về hội một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Mỹ Joe Biden, ông Lavrov đáp: “Tôi không nói trước điều gì cả, Tổng thống Putin luôn sẵn sàng cho liên lạc với người đồng cấp Mỹ Biden. Rõ ràng là những liên lạc này cần được chuẩn bị nghiêm túc từ trước”.
Với cùng câu hỏi này, Ngoại trưởng Blinken lại đáp: “Nếu Mỹ và Nga kết luận rằng cách tốt nhất giải quyết mọi vấn đề là qua đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo thì chúng tôi chắc chắn chuẩn bị cho điều này”.
Một trong những đề xuất an ninh của Nga là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngừng các hoạt động ở Đông Âu và không kết nạp Ukraine. Nhưng cả Mỹ và NATO đều loại trừ khả năng đáp ứng yêu cầu này của Nga. Kể từ năm 2002, Ukraine đã tìm cách gia nhập NATO, khối quân sự này vốn có chủ trương bất cứ thành viên nào bị tấn công quân sự cũng đồng nghĩa với việc tấn công vào toàn khối.
Washington đang gửi viện trợ khẩn cấp quân sự trị giá 200 triệu USD cho Kiev đồng thời ủy quyền cho các đồng minh châu Âu chuyển giao vũ khí chống tăng do Mỹ sản xuất tới Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ đã loại trừ khả năng cử quân đội đến hỗ trợ lực lượng Ukraine.
Tonga nỗ lực tái thiết sau thảm họa kép phun trào núi lửa, sóng thần
Công cuộc dọn dẹp tại đường băng sân bay quốc tế Fua’amotu (Tonga) ngày 20/1. Ảnh: AP |
Một tuần sau khi núi lửa phun trào, Tonga vẫn nỗ lực triển khai chiến dịch khắc phục hậu quả thảm họa. Nguồn nước uống tại Tonga đang thiếu trầm trọng trong khi các mảnh vỡ trôi dạt ra biển lại tác động đến các tàu cứu trợ.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai tại Tonga đã phun trào dữ dội vào 5 giờ 10 phút chiều 15-1 (giờ địa phương) gây tàn phá nghiêm trọng. Vụ phun trào đã bao phủ đảo quốc Thái Bình Dương bằng tro núi lửa và gây ra sóng thần.
Thủ tướng Siaosi Sovaleni ngày 22-1 cho biết Tonga đang thiếu nước uống và thực phẩm. Chính phủ Tonga chia sẻ rằng vụ phun trào núi lửa và sóng thần và ảnh hưởng đến 84% dân số khoảng 105.000 người tại quốc gia này. Chính phủ Tonga cũng gọi vụ phun trào núi lửa và sóng thần là “thảm họa chưa từng có tiền lệ” đồng thời công bố 1 tháng khẩn cấp toàn quốc gia.
Tờ New York Times (Mỹ) đánh giá Tonga với 170 đảo nhỏ nằm ở phía Tây Bắc New Zealand luôn khó tiếp cận. Ngoài ra, Tonga còn nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực vốn thường xảy ra động đất.
Chính phủ Tonga đồng thời khẳng định đảm bảo nguồn nước uống là ưu tiên hiện nay bởi tro núi lửa đã gây ô nhiễm nguồn nước uống của đảo quốc này. Một tàu hải quân New Zealand đã đến Tonga ngày 21-1 mang theo máy khử mặn nước biển. Ngoài ra, tàu hải quân này còn chở theo 250.000 lít nước cho Tonga. Hãng thông tấn Kyodo đưa tin ngày 22-1, một máy bay của Nhật Bản đã mang theo nước đến Tonga.
Nhưng việc cứu trợ gặp thách thức bởi tro núi lửa đổ ra mặt biển đã gây ảnh hưởng đến các con tàu. Điều này đồng nghĩa với việc khó khăn chồng chất khó khăn cho công tác cứu hộ đưa người từ những đảo nhỏ xung quanh đến đảo chính.
Một yếu tố khác gây trở ngại cho công tác cứu trợ là gián đoạn trong viễn thông bởi vệ tinh và kết nối radio hạn chế hơn sau khi đường dây cáp dưới biển bị đứt. Chính phủ New Zealand đánh giá rằng việc kết nối hoàn toàn đường viễn thông sẽ phải kéo dài trong một tháng.
Vào ngày 22-1, người dân Tonga xếp hàng để tiếp cận dịch vụ tài chính được khôi phục một cách hạn chế ở thủ đô.
Nhiều tàu cứu trợ từ Australia, New Zealand và Anh đang trên đường tới Tonga. Văn phòng Liên hợp quốc điều phối các nỗ lực nhân đạo tại Tonga cho biết họ quyết tâm đảm bảo hàng viện trợ cho quốc gia này sẽ không dẫn đến lây nhiễm COVID-19.
Theo Báo Tin tức