Châu Âu bị ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng nhất

.

Tính đến ngày 14-2, thế giới có tổng cộng hơn 412,6 triệu ca nhiễm và 5,8 triệu ca tử vong do Covid-19, theo thống kê của worldometers. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 144,5 triệu ca nhiễm và 1,6 triệu ca tử vong.

Tại châu Âu, theo Reuters, giới chức y tế Anh chính thức giám sát biển thể Deltacron (được cho là lai giữa 2 biến thể Delta và Omicron) sau khi ghi nhận 1 bệnh nhân nhiễm biến thể này. Hiện chưa rõ việc đột biến xảy ra đầu tiên tại Anh hay ở nước khác.

Một số nước châu Âu có xu hướng nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng, trong tháng 2, chính phủ có thể bỏ quy định yêu cầu người phát hiện mắc Covid-19 tự cách ly. Nếu dịch bệnh tiếp diễn theo xu hướng ổn định, nước Anh có thể quyết định chấm dứt tất cả những biện pháp hạn chế còn lại. Các bang ở Đức đang áp dụng những quy định riêng tùy tình hình dịch bệnh ở địa phương. Nhiều bang đã có những điều chỉnh theo hướng nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Trong khi đó, hãng tin AP cho biết, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, lần lượt hơn 79,3 triệu ca và 943.000 ca. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 42,6 triệu ca), Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hơn 638.000 ca).

Ngày 13-2, Mỹ ghi nhận thêm hơn 22.800 người nhiễm. Với tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 đạt 65% dân số, tỷ lệ nhập viện trong những tuần gần đây giảm hoặc thấp ở mức ổn định, nhiều bang quyết định dỡ bỏ một số hạn chế phòng dịch. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vẫn ủng hộ quy định đeo khẩu trang trong trường học và khuyến nghị người dân cần đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.