Quốc tế

Covid-19 tới 6 giờ sáng 7-2: Nga liên tiếp lập kỷ lục về ca mắc mới, đứng đầu thế giới

07:00, 07/02/2022 (GMT+7)

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,7 triệu ca mắc Covid-19 và trên 5.700 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 395,7 triệu ca, trong đó trên 5,75 triệu ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 5/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Paris, Pháp ngày 5-1-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (180.071 ca), Pháp (155.439 ca) và Đức (114.424 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (897 ca), Nga (661 ca) và Mexico (588 ca).

Xét từ đầu đại dịch Covid-19, Mỹ có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 78 triệu ca, tiếp theo là Ấn Độ với 42,2 triệu ca; Brazil với 26,5 triệu ca. Về số ca tử vong, Mỹ cũng ghi nhận nhiều nhất với trên 925.000 ca, tiếp đó là Brazil với trên 632.000 ca, trong khi con số này ở Ấn Độ là trên 502.900 ca.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 135 triệu ca nhiễm, trong đó có 1,6 triệu ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 104 triệu ca nhiễm và 1,3 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 91 triệu ca nhiễm và 1,3 triệu ca tử vong; Nam Mỹ có 50,4 triệu ca nhiễm và 1,2 triệu ca tử vong.

Trong bối cảnh số ca mắc biến thể Omicron tăng trên toàn cầu, kết quả phân tích, đánh giá các dữ liệu tổng hợp cho thấy đa phần trẻ em nhiễm biến thể Omicron đều không xuất hiện hội chứng hậu Covid-19. Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật học Moksva mang tên Gnaihevsky thuộc Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người - Rospotrebnadzor, bà Tatyana Ruzhentsova đã đưa ra tuyên bố này.

Bà Ruzhentsova cho biết hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá được chính xác tần suất biến chứng Covid-19 ở trẻ em. Nhưng có thể thấy rằng hầu hết trẻ em không xuất hiện hội chứng hậu Covid-19 sau khi bị nhiễm Omicron.

Tuy nhiên, bà nêu rõ nhiều trẻ em vẫn còn mệt mỏi, đau đầu và bị sốt nhẹ. Những trẻ này cần phải được theo dõi y tế, đặc biệt là được bác sỹ nhi khoa thăm khám thêm trong trường hợp cần thiết. Trước đó, bà Ruzhentsova đã nhận định rằng biến chủng Omicron gây ra hội chứng hậu Covid-19 nhẹ hơn so với chủng Delta.

Nga ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Nga cho biết nước này ghi nhận 180.071 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở Nga, trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan rộng. Số ca mắc mới ở Nga liên tục lập kỷ lục trong những ngày gần đây.

Bên cạnh đó, giới chức Nga xác nhận có thêm 661 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên 335.414 ca trong tổng số 12.810.118 ca bệnh.

Số ca mắc Covid-19 tại Áo vượt 2 triệu

Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Áo, tổng số ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại nước này kể từ khi đại dịch khởi phát đã vượt 2 triệu người.

Từ ngày 5-2, số người mắc Covid-19 ở Áo vượt 2 triệu người. Trong ngày 6-2, Áo có thêm 29.324 ca mắc mới.

Gần đây, Áo đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng do biến thể Omicron. Số ca mắc hằng ngày ở nước này dao động khoảng 30.000 trường hợp trong hai tuần qua.

Ngày 5-2 cũng là thời điểm chính sách tiêm chủng ngừa Covid-19 bắt buộc của Áo chính thức có hiệu lực. Tiêm chủng ngừa Covid-19 hiện là bắt buộc đối với tất cả người trưởng thành ở Áo, với các hình phạt nếu không tuân thủ.

Dữ liệu chính thức cho thấy tính đến ngày 4-2, 75,7% dân số Áo đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19.

Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Sputnik Light

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya ngày 6-2 thông báo nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Covid-19 đơn liều Sputnik Light.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25-1-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên mạng xã hội Twitter, ông Mandaviya khẳng định quyết định này sẽ tăng cường hơn nữa nỗ lực của Ấn Độ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ông viết: "Cơ quan kiểm soát dược phẩm đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik Light đơn liều ở Ấn Độ. Đây là vaccine COVID19 thứ 9 tại nước này, sẽ giúp tăng cường hơn nữa cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”.

Các nguồn tin trong Cơ quan kiểm soát tiêu chuẩn dược phẩm trung ương Ấn Độ (CDSCO) nói rằng giấy phép được cấp dựa trên cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik Light ở Nga, cùng với dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Nga và một số quốc gia khác. Vaccine này có thể được sử dụng làm liều tăng cường chống Covid-19 cho các nhóm dân số đủ điều kiện.

Sputnik Light là một thành phần của vaccine hai liều Sputnik V - nhưng hai liều này khác nhau. Sputnik Light chứa các thành phần được sử dụng trong liều đầu tiên của Sputnik V. Sputnik Light đã được đăng ký tại hơn 30 quốc gia với tổng dân số trên 2,5 tỷ dân. Một số quốc gia như Argentina, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), San Marino và Philippines đã cho phép sử dụng Sputnik Light làm liều tăng cường.

Campuchia có số ca mắc Omircon tăng ở mức 3 con số ngày thứ hai liên tiếp

Ngày 6-2, Campuchia ghi nhận 111 ca nhiễm mới biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch Covid-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm biến thể này tăng ở mức 3 con số.

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Campuchia cho biết trong số ca nhiễm mới có 16 ca nhập cảnh và 95 ca lây nhiễm trong nước. Tuyên bố nêu rõ nước này không ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19 trong 33 ngày qua.

Campuchia phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 14-12-2021. Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.332 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 544 ca nhập cảnh và 788 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, Campchia đã ghi nhận tổng cộng 121.773 ca mắc Covid-19 và 3.015 ca tử vong. 118.122 bệnh nhân đã phục hồi.

Cho đến nay, 14,36 triệu người Campuchia, hay 89,7% dân số nước này, đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19. Trong số này, 13,77 triệu người (86%) đã được tiêm đủ các liều vaccine cơ bản.

Malaysia đạt mục tiêu tiêm chủng của WHO

Malaysia đã đạt được mục tiêu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra là 70% dân số hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19 vào giữa năm 2022.

Số liệu thống kê của trang “Our World in Data” (OWID) cho thấy Malaysia đã tiêm chủng cho hơn 70% dân số.

Theo OWID, Malaysia là một trong 20 quốc gia hàng đầu có tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm chủng cao nhất.

Tính đến ngày 4-2 vừa qua, 78,8% dân số Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng, theo đó 25,7 triệu liều vaccine đã được tiêm. Song song với đó, 517.107 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 đã đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer, qua đó hơn 80% dân số nước này sẽ được tiêm chủng đầy đủ.

Đăng tải trên website, WHO cho rằng sự xuất hiện nhanh chóng của biến thể Omicron là lời cảnh báo rõ ràng về mối đe dọa dịch bệnh và cho thấy tầm quan trọng của mức độ bao phủ tiêm chủng ở tất cả các quốc gia.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin ngày 6-2 cho biết nước này đang ở giữa làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và số ca mắc mới Covid-19 sẽ sớm tăng lên tới 15.000 ca/ngày.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang Twitter cá nhân, ông Khairy viết: “Số ca mắc mới mỗi ngày tại Malaysia sẽ sớm tăng lên 15.000 ca khi biến thể Omicron chiếm ưu thế. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 1 triệu người cao tuổi chưa tiêm liều vaccine tăng cường".

Trước đó, đăng tải trên trang Twitter cùng ngày, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah dự báo số ca mắc mới hằng ngày ở nước này sẽ quay trở lại thời kỳ cao điểm khoảng 22.000 ca vào cuối tháng 3 tới nếu mức độ lây nhiễm (R0) vẫn ở mức 1,2. Tuy nhiên, do mức độ bao phủ vaccine của Malaysia đang rất tốt nên sẽ hạn chế được những ca bệnh có biểu hiện nghiêm trọng. Ông cũng khuyến cáo người dân nên tiêm liều vaccine tăng cường cũng như tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn (giãn cách xã hội) để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Indonesia hạn chế người cao tuổi ra khỏi nhà

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia ngày 4/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia ngày 4-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Điều phối Vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan đã yêu cầu người dân từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh nền và chưa được tiêm vaccine Covid-19 không được ra khỏi nhà trong tháng tới.

Bộ trưởng Luhut cho biết, số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gia tăng khá nhanh chóng trong vài ngày qua cùng với các dữ liệu có được thì hầu hết bệnh nhân Covid-19 tử vong đều là người cao tuổi. Điều này rất quan trọng, mọi người không nên xem nhẹ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Đối với những trường hợp có biểu hiện nhẹ nên tự cách ly và điều trị tại nhà, song những bệnh nhân thuộc nhóm người cao tuổi cần được đưa ngay đến bệnh viện hoặc khu cách ly tập trung.

Trước đó, Người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia, Siti Nadia Tarmizi cho biết các bệnh đi kèm như tăng huyết áp đến đái tháo đường là nguyên nhân khiến số ca tử vong do Covid-19 tăng đột biến trong thời gian gần đây.  

Cuba ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong nhiều tuần qua

Cuba ghi nhận 1.340 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 6-2, đây là con số thấp nhất trong nhiều tuần trở lại đây và cũng đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp đảo quốc Caribe này ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 dưới mức 2000 trong vòng 24 giờ.

Nhiều chuyên gia cho rằng Cuba đã trải qua đỉnh dịch. Các diễn biến dịch tễ nói trên cũng phù hợp với dự đoán trước đó của các chuyên gia chính phủ.

Kể từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên hồi tháng 3-2020, Cuba đã ghi nhận tổng cộng 1.052.220 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 8.431 ca tử vong.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Y tế Cuba cho biết gần 10 triệu người dân nước này, tương đương 88% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa Covid-19 với các loại vaccine nội địa Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, trong khi hơn 10,5 triệu trên tổng số 11,3 triệu dân nước này đã được bảo vệ với ít nhất một liều vaccine, đưa Cuba trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm ngừa Covid-19 cao nhất khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Cuba đã tiêm tổng cộng 34.446.973 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho người dân và đứng đầu thế giới về số liều sinh phẩm chống lại virus SARS-CoV-2 với tỷ lệ là 304,840/100 người. Gần 5,5 triệu người Cuba, tương đương hơn 45% dân số, đã được tiêm liều tăng cường. Cuba cũng được đánh giá là rất thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, với tỷ lệ hơn 99% được chữa khỏi bệnh tính tới thời điểm hiện nay.

Theo Báo Tin tức

.