Hàng loạt quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập độc lập của 2 vùng ly khai Lugansk và Donetsk ở đông Ukraine, đồng thời cho phép đưa quân đến đây.
Trong phiên họp ở Moscow ngày 22-2, các nhà lập pháp Nga ủy quyền cho Tổng thống Vladimir Putin sử dụng lực lượng quân sự bên ngoài đất nước. Ảnh: AP |
Song, các nhà quan sát cho rằng các biện pháp trừng mới sẽ không gây tổn thất lớn đối với Nga.
Vẫn còn con đường ngoại giao
Hãng tin AP cho biết, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính phủ của ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 tổ chức tài chính của Nga, gồm Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội. Ngoài ra, Mỹ sẽ trừng phạt đối với nợ công của Nga và 3 cá nhân thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.
Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí “phòng thủ” cho Ukraine và triển khai quân đội nhằm tăng cường sức mạnh cho các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ở khu vực Đông Âu. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cho hay, vẫn còn thời gian để ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất thông qua con đường ngoại giao.
Theo AP, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đều phát những tín hiệu rằng, cuộc đối đầu thậm chí có thể còn lớn hơn ở phía trước. Tổng thống Putin vẫn chưa tung ra lực lượng 150.000 binh sĩ đang ở biên giới Ukraine, còn Tổng thống Biden chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Nga.
Ông Biden cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nếu ông Putin hành động hơn nữa. Còn người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhưng các lợi ích của Nga là vấn đề không thể đàm phán.
Các cuộc gặp gỡ đã lên kế hoạch hoặc đang xem xét thì nay bị hủy bỏ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov không gặp ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 24-2 như dự kiến. Ông Blinken nói rằng, cuộc họp sẽ không hiệu quả và hành động của Nga cho thấy Moscow không nghiêm túc về một con đường hòa bình để giải quyết khủng hoảng. Ông Blinken sẽ chỉ gặp người đồng cấp Lavrov khi Nga không có hành động quân sự với Ukraine. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng thông báo hủy lời mời gặp ông Lavrov.
Trong khi đó, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga cũng sẽ không diễn ra. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lý giải, Tổng thống Biden sẽ không gặp Tổng thống Putin trừ khi Nga giảm leo thang tình hình ở Ukraine bằng cách rút quân, nghĩa là Washington không đóng hoàn toàn cánh cửa ngoại giao.
Hàng loạt quốc gia trừng phạt Nga
Các ngoại trưởng châu Âu thống nhất trừng phạt 27 cá nhân và tổ chức, bao gồm các ngân hàng tài trợ cho các nhà hoạch định chính sách và hoạt động của Nga tại vùng Donbass. Gói trừng phạt này cũng áp dụng lên tất cả các thành viên Hạ viện Nga.
Theo Reuters, chính phủ Anh đã thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga. Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi đây là “đòn tấn công đầu tiên” nhằm vào Moscow liên quan vấn đề Ukraine. Đức dừng dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đưa khí đốt từ Nga đến phía đông châu Âu.
Canada sẽ trừng phạt các thành viên Quốc hội Nga - những người đã bỏ phiếu về quyết định công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk; cấm người Canada giao dịch tài chính với hai vùng này; đồng thời, áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với hai ngân hàng Nga và ngăn chặn bất kỳ giao dịch tài chính nào với họ.
Chính phủ Úc sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt, gồm lệnh cấm đi lại và các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 8 công dân là thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Nga. 7 ngân hàng của Nga đã được đưa vào danh sách cần theo dõi của Canberra.
Nhật Bản tuyên bố sẽ đình chỉ việc cấp thị thực và đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan Lugansk và Donetsk. Không những thế, Tokyo sẽ áp đặt lệnh cấm thương mại đối với các khu vực này.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các biện pháp do Mỹ và đồng minh công bố sẽ không gây tổn thất lớn cho Nga, ngược lại có thể làm chính phương Tây thiệt hại. “Đối với Nga, các lệnh trừng phạt sẽ là vô ích”, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói.
Theo Reuters, ngày 23-2, Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn đất nước, ngoại trừ Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng. Kiev cũng kêu gọi công dân Ukraine rời Nga ngay lập tức. |
PHÚC NGUYÊN