Cường quốc dầu mỏ sẽ lấy lại vị thế

.

Iran là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản đủ loại. Chỉ riêng khí đốt tự nhiên của Iran, trữ lượng đã được chứng minh vượt quá 365.000 tỷ m3 (chỉ đứng sau Nga) và là nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Nga). Còn trữ lượng dầu mỏ của Iran cũng chiếm gần 10% tổng trữ lượng của thế giới.

Không chỉ vậy, Iran còn rất giàu tài nguyên khoáng sản. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng kẽm, đồng và quặng sắt của Iran thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia Hồi giáo này cũng sở hữu trữ lượng lớn một loạt khoáng sản như chromi, chì, mangan, lưu huỳnh, vàng, uranium, titan và lithium.

Năm 2018, ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay có nhiều biến động phức tạp, giá dầu mỏ liên tục tăng cao, tín hiệu lạc quan về vòng đàm phán thứ 8 đang diễn ra ở Vienna (Áo) nhằm khôi phục JCPOA sắp đạt kết quả cuối cùng đã tác động tích cực tới thị trường dầu mỏ. Như vậy, với những động thái hướng đến khôi phục JCPOA, Mỹ và các đồng minh chuẩn bị tạo điều kiện cho Iran hội nhập vào nền kinh tế phương Tây, biến nước này trở thành biên giới cuối cùng trong làn sóng phục hồi sau đại dịch Covid-19 của thế giới công nghiệp.

Việc khôi phục các hoạt động kinh doanh bình thường với Iran sẽ mở ra một địa bàn rộng lớn và thịnh vượng ngoạn mục nhất trên hành tinh; khai thông nền kinh tế của nước này với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ và thương mại toàn cầu.

Các nhà quan sát cho rằng, Iran sẽ là cường quốc khu vực đích thực đang trỗi dậy, có tiềm năng to lớn để từng bước trở thành cường quốc toàn cầu, với nền tảng là dầu khí, nông nghiệp và công nghệ, nhân lực tay nghề cao, thị trường nội địa rộng lớn (dân số 85 triệu) và vị trí địa lý chiến lược quan trọng.

Đáng chú ý, sức mua của Iran rất lớn vì nước này tạo ra một khoản thu nhập khổng lồ với giá dầu dao động khoảng 90 USD/thùng. Hiện nay, dù bị áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhưng Iran đã xuất khẩu được 1,2 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 1 vừa qua.

Các chuyên gia cho rằng, bước đột phá trong đàm phán khôi phục JCPOA sẽ mở ra cơ hội để Iran ngay lập tức tăng nguồn cung dầu mỏ cho thế giới trở lại mức 2,5 triệu thùng/ngày như trước thời điểm Mỹ áp đặt trừng phạt. Dự báo 3-5 năm nữa, Iran có thể là nguồn cung năng lượng thay thế chính cho lục địa châu Âu, sánh ngang với Nga. Hoặc nếu Iran bắt tay với Nga để đạt được thỏa thuận về thị phần thì riêng hai nước này sẽ chiếm khoảng 40-45% tổng trữ lượng khí đốt của thế giới.

Trang Statista xếp Iran là quốc gia đứng thứ 5 toàn thế giới về giá trị tài nguyên thiên nhiên (27.300 tỷ USD) tính đến năm 2021, trên cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Mới đây, ngày 21-2, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thăm Qatar và hội đàm với Quốc vương Qatar Emir Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani và tham dự hội nghị Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt. Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Iran và Qatar đã ký kết một số thỏa thuận song phương, trong đó có 2 thỏa thuận về năng lượng.

Còn tại Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, ông Raisi kêu gọi các nhà xuất khẩu khí đốt tránh bất cứ lệnh trừng phạt “tàn nhẫn” nào như các biện pháp mà Mỹ áp đặt với Tehran. Ông Raisi nêu rõ: “Các thành viên của diễn đàn này không nên công nhận các lệnh trừng phạt đó vì trong thế giới hiện nay, chúng ta thấy các lệnh trừng phạt sẽ không đạt hiệu quả”.

Có thể nói, Iran đang tìm mọi cách để thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm nhanh chóng phục hồi kinh tế, trong đó chủ yếu là ngành kinh tế mũi nhọn dầu khí. Một khi Iran trở lại là cường quốc dầu mỏ thì vị thế địa chính trị cũng tăng lên đáng kể không chỉ ở khu vực Trung Đông và có thể trên quy mô toàn cầu như các nhà quan sát đánh giá.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.