Pháp cho rằng, Iran có vài ngày để chấp nhận thỏa thuận hạt nhân tại Vienna (Áo) hoặc rời đi, tùy thuộc vào sự lựa chọn của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Các tên lửa Zolfaghar và Dezful được trưng bày tại triển lãm năng lực tên lửa của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ở thủ đô Tehran ngày 7-1-2022. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn AFP dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Thượng viện nước này ngày 16-2 nhấn mạnh: “Vấn đề không phải là một vài tuần, mà là một vài ngày”, đồng thời nhận định khủng hoảng lớn sẽ xảy ra nếu đàm phán ở Vienna không đạt được thỏa thuận.
Đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký với nhóm cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) nối lại hồi tuần trước sau 10 ngày tạm dừng.
Trước khi đến Vienna, các nhà ngoại giao phương Tây hy vọng đàm phán sẽ đạt được đột phá nhưng các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pháp cho rằng, người Iran cần có các quyết định chính trị. “Họ (Iran) có thể tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong những ngày tới, hoặc họ chấp nhận một thỏa thuận tôn trọng lợi ích của tất cả các bên, nhất là của chính Iran”, ông Le Drian nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp mô tả “thỏa thuận đang trong tầm tay”, đồng thời cho biết hiện đã có thỏa thuận giữa các cường quốc châu Âu cũng như với Trung Quốc, Nga và Mỹ. Song, theo ông Le Drian, thời gian sắp hết vì Iran tiếp tục tăng cường các hoạt động hạt nhân.
Trong lúc đó, Reuters cho biết, Trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri viết trên Twitter kêu gọi các cường quốc hãy thực tế, tránh nóng vội và việc khôi phục thỏa thuận yêu cầu “những quyết định chính trị của phương Tây”. “Đến lúc họ cần có những quyết định nghiêm túc”, ông Bagheri viết, đồng thời đề cập việc các bên đang tiến gần đến một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng đánh giá Washington đang ở “những giai đoạn cuối cùng” của cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran nhằm khôi phục JCPOA.
Theo JCPOA, Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận với lý do còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Phía Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết trong JCPOA.
Từ tháng 4-2021, Iran và các nước còn lại trong JCPOA (P4+1) nối lại đàm phán tại Vienna để tìm cách khôi phục thỏa thuận. Mỹ không tham gia đàm phán trực tiếp mà thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU).
Phía Iran hiện bác bỏ thời hạn chót của việc đạt được thỏa thuận do phương Tây đưa ra. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian nói rằng, thời hạn chót không giúp xác định thời điểm đạt được thỏa thuận, mà điều này cần dựa vào thực tế đàm phán và mức độ nghiêm túc, cũng như nỗ lực quay trở lại thực hiện cam kết của phương Tây.
Tháng 4 năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran bắt đầu làm giàu uranium có mức tinh khiết 60% tại một cơ sở sản xuất trên mặt đất ở thành phố Natanz, tỉnh Isfahan.
Theo JCPOA, Tehran cam kết làm giàu uranium ở mức tinh khiết 3,67%. Tuy nhiên, mức làm giàu uranium của Iran đã lên tới 20% vào tháng 1-2021 và 60% vào tháng 4-2021.
Lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, vốn giữ im lặng về các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Vienna, nay cũng lên tiếng. Hãng tin AP cho biết, ông Khamenei ngày 17-2 khẳng định Iran sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình nhằm gìn giữ nền độc lập của đất nước và quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này không bao giờ theo đuổi vũ khí hạt nhân. “Nếu chúng ta không theo đuổi (năng lượng hạt nhân hòa bình) hôm nay thì ngày mai sẽ muộn”, ông Khamenei nhấn mạnh về tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân hòa bình.
PHÚC NGUYÊN