Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Ukraine và Nga để thúc đẩy ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây, ngăn chặn một cuộc chiến tranh xảy ra ở châu Âu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz rời thủ đô Berlin ngày 14-2 để bắt đầu chuyến công du Ukraine và Nga. Ảnh: AP |
Chuyến thăm Ukraine vào ngày 14-2 và thăm Nga vào ngày 15-2 của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao của các nhà lãnh đạo châu Âu trong lúc mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức thấp nhất.
Hãng tin AP cho biết, trong chuyến công du đầu tiên đến Kiev, Thủ tướng Scholz bày tỏ thông điệp đoàn kết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau khi nước từng thuộc Liên Xô cũ chỉ trích Berlin từ chối tham gia cùng các đồng minh cung cấp vũ khí sát thương cho họ. Ngày 13-2, ông Scholz khẳng định: Ukraine có thể “chắc chắn chúng tôi sẽ thể hiện sự đoàn kết cần thiết, như chúng tôi đã làm trong quá khứ”, hàm ý chỉ việc từng viện trợ tài chính cho Kiev.
Căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine là thử thách đối với chính phủ liên minh mới của Đức. Berlin đã rút bớt nhân viên sứ quán tại Ukraine và người thân của họ. Trong một diễn biến khác, Mỹ, Anh và các nước Baltic đều đã gửi vũ khí đến Kiev, bao gồm tên lửa chống tăng và phòng không, riêng Đức - một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - vẫn từ chối. Không những thế, Đức còn ngăn Estonia - thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - cung cấp vũ khí cho Ukraine khi Berlin từ chối cho phép nước này xuất khẩu vũ khí xuất xứ từ Đức.
Trong chuyến công du, Thủ tướng Scholz còn đề cập việc bảo đảm ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở châu Âu và gửi thông điệp đến Nga rằng “bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng phải lãnh hậu quả rất lớn”. Dự kiến tại cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15-2, nhà lãnh đạo Đức cũng sẽ thảo luận về những điều kiện để Moscow và phương Tây có thể dàn xếp hạ nhiệt căng thẳng liên quan Ukraine. Ông Scholz cũng bàn thảo với ông Zelensky và ông Putin cách thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại miền đông Ukraine.
Theo các nhà quan sát, điều có thể nhận thấy trong các phát biểu của ông Scholz trước chuyến đi là nhà lãnh đạo này không nêu rõ Nga sẽ nhận hậu quả như thế nào “nếu tấn công nước láng giềng”. Mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Đức và Nga cùng sức ép của các đồng minh trong vấn đề Ukraine đặt ông Scholz vào thế khó. Vì vậy, chuyến công du lần này mang tính biểu tượng về ngoại giao nhiều hơn, nhấn mạnh thông điệp đoàn kết với các đồng minh, hơn là tìm sự đột phá.
Điều duy nhất mà Đức có thể đưa ra để “mặc cả” chính là Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) mà Berlin đe dọa sẽ không phê duyệt dự án này. Hãng tin AP cho hay, phát biểu trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng trước đó, Thủ tướng Scholz đã thống nhất rằng, nếu Nga vượt qua biên giới Nga - Ukraine, dự án Nord Stream 2 sẽ bị dừng ngay lập tức. Tuy nhiên, Đức đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, nên nếu hủy bỏ dự án, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) cũng mất đi những nguồn lợi đáng kể.
Theo TASS, Nga hiện xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày và khoảng 2,5 triệu thùng sản phẩm xăng dầu. Khoảng 60% dầu mỏ xuất khẩu của Nga là sang châu Âu, 30% sang Trung Quốc. Khi hoạt động, Nord Stream 2 sẽ chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu, chảy trực tiếp đến Đức và có thể bỏ qua các đường ống hiện có khác chạy qua các nước châu Âu khác, nhất là Ukraine. Vì vậy, Mỹ và Ukraine coi Nord Stream là công cụ địa chính trị của Nga, đồng thời không muốn đường ống này hoạt động.
Nhiều nỗ lực ngoại giao đang được gấp rút tiến hành trong lúc Nga vẫn bác bỏ cáo buộc về khả năng nước này tấn công Ukraine và chỉ trích chính “sự hoang tưởng” của phương Tây làm gia tăng căng thẳng.
PHÚC NGUYÊN