Ngày 1-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng những lo ngại về an ninh của Nga đã bị phớt lờ khi căng thẳng bùng phát giữa Moskva và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp trực tuyến ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại Moskva, ông Putin đã đưa ra phát biểu trên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đang phân tích kỹ các hồi đáp bằng văn bản nhận được của Mỹ và NATO. Nhưng rõ ràng mối quan tâm cơ bản của Nga đã bị phớt lờ". Nga không thấy sự cân nhắc đầy đủ 3 yêu cầu chính của Moskva liên quan đến việc NATO ngừng mở rộng, không triển khai quân và vũ khí gần biên giới Nga, và việc quay lại hiện trạng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu như năm 1997. Tổng thống Putin cũng cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ tạo ra nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và liên minh quân sự này về bán đảo Crimea.
Đây là những phát biểu công khai đầu tiên của ông Putin trong nhiều tuần qua về cuộc khủng hoảng liên quan tới Ukraine. Trước đó, ngày 30-1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố thông qua Bộ Ngoại giao, Nga đang gửi đi đề nghị chính thức tới NATO và Tổ chức Hợp tác an ninh châu Âu (OSCE), kêu gọi các tổ chức này làm rõ ý định triển khai các cam kết không củng cố an ninh của tổ chức theo những cách có thể tổn hại tới an ninh của các bên khác. Nếu các tổ chức này không có ý định thực hiện cam kết thì nên giải thích rõ lý do. Ông Lavrov nhấn mạnh đây là một đề nghị quan trọng sẽ định hình các đề xuất tiếp theo mà Bộ Ngoại giao Nga sẽ đệ trình lên Tổng thống Putin. Theo ông Lavrov, Nga không chỉ tìm kiếm những cam kết từ các nước phương Tây mà còn muốn thấy những đảm bảo an ninh có ràng buộc về pháp lý, để đảm bảo an ninh cho toàn châu Âu, với sự tôn trọng một cách công bằng và đầy đủ những lợi ích hợp pháp của Nga.
Trong các đề xuất an ninh trước đó, Nga đã yêu cầu NATO rút quân và vũ khí triển khai ở Đông Âu cũng như không để nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh. Mỹ và các đồng minh NATO đã bác bỏ quan điểm này nhưng cho biết sẵn sàng thảo luận về các chủ đề khác như kiểm soát vũ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin.
Trong diễn biến liên quan, Ấn Độ mới đây khẳng định cần áp dụng biện pháp ngoại giao bình tĩnh và mang tính xây dựng trong vấn đề Ukraine, đồng thời lưu ý New Delhi quan tâm tới việc tìm kiếm một giải pháp có thể giúp lập tức giảm leo thang căng thẳng trong vấn đề này.
Tại New Delhi, tuyên bố trên do Đại diện thường trực Ấn Độ tại Liên hợp quốc T.S. Tirumurti đưa ra tại cuộc họp ngày 31-1 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Ông Tirumurti nhấn mạnh quan điểm của Ấn Độ là chỉ có thể giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại ngoại giao.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi theo sát những diễn biến liên quan đến Ukraine, kể cả thông qua các cuộc đàm phán an ninh cấp cao đang diễn ra giữa Nga và Mỹ cũng như theo định dạng Normandy (gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine) ở Paris. Ấn Độ quan tâm tới việc tìm ra một giải pháp có thể giúp giảm leo thang căng thẳng ngay lập tức, vì lợi ích an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia và hướng tới việc đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài trong và ngoài khu vực".
Quan chức này nhấn mạnh tất cả các bên cần nỗ lực tối đa để tránh mọi bước đi làm gia tăng căng thẳng, vì lợi ích lớn hơn là đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế. Ông Tirumurti cũng cho biết thêm hiện Ấn Độ đang liên lạc với tất cả các bên liên quan về vấn đề Ukraine, đồng thời bày tỏ hoan nghênh những nỗ lực đang diễn ra kể cả trong khuôn khổ Thỏa thuận Minsk và định dạng Normandy để giải quyết tình hình.
Trong vài tháng qua, phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga đưa quân áp sát biên giới Ukraine để chuẩn bị cho hành động quân sự. Moskva đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời nhấn mạnh Nga có quyền điều động lực lượng bên trong lãnh thổ của mình.
Theo TTXVN