Bộ Quốc phòng Nga thông báo bắt đầu rút một số lực lượng sau khi hoàn tất cuộc diễn tập ở khu vực gần Ukraine. Động thái này được cho là có thể xoa dịu căng thẳng giữa Moscow và phương Tây.
Các nỗ lực ngoại giao vẫn được thúc đẩy nhằm tháo gỡ khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. TRONG ẢNH: Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev ngày 14-2. Ảnh: AP |
Hãng Interfax dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 15-2 cho biết, một số lực lượng được triển khai gần Ukraine đã hoàn thành cuộc tập trận quân sự và bắt đầu trở lại căn cứ. Bộ Quốc phòng Nga sau đó công bố video cho thấy các phương tiện quân sự lên đường về căn cứ. Trong video, nhiều xe tăng, thiết giáp, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành được chuyển lên tàu hỏa.
Việc rút quân đã được lên kế hoạch
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận việc Nga rút một số lực lượng khỏi khu vực biên giới Ukraine đã được lên kế hoạch từ trước. Đây là thông báo rút quân đầu tiên của Nga trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Không có thông tin về số lượng đơn vị tham gia tập trận và động thái rút quân của Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tổng số quân ở dọc biên giới Ukraine.
Động thái nói trên của Nga đi ngược với những cảnh báo từ Mỹ và các nước phương Tây rằng, Moscow điều hơn 100.000 binh sĩ đến gần biên giới Ukraine nhằm chuẩn bị tấn công nước từng thuộc Liên Xô cũ này. Trong số hơn 100.000 binh sĩ được điều động, một số lượng lớn lực lượng đang tham gia tập trận chung với Belarus đến ngày 20-2 nhằm kiểm tra và nâng cao năng lực của quân đội hai nước trong việc “ngăn chặn và đáp trả các hành động gây hấn của nước ngoài”.
Theo AP, trong lúc Mỹ thống nhất rằng vẫn còn con đường ngoại giao để giải quyết khủng hoảng, thì Washington, London và các đồng minh khác vẫn tiếp tục cảnh báo lực lượng Nga có thể vượt qua biên giới Ukraine bất kỳ lúc nào. Thậm chí, thông tin tình báo do Mỹ thu thập còn gây “sốc” khi cho rằng Nga có khả năng hành động quân sự vào ngày 16-2.
Phía Nga luôn bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này chuẩn bị tấn công Ukraine. Điện Kremlin chỉ trích việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tìm cách “đông tiến”, trong đó kế hoạch kết nạp Ukraine và Georgia đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Cũng trong ngày 15-2, Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov khẳng định Moscow sẽ không có bất kỳ hành động nào chống lại Ukraine trừ khi Kiev có hành động gây hấn.
Theo ông Chizhov, số lượng binh sĩ Nga ở gần biên giới Ukraine ngang bằng số lượng binh sĩ tham gia các cuộc tập trận của phương Tây trong năm 2021 nên không gây ra mối lo ngại lớn.
Cánh cửa ngoại giao chưa khép
Hãng tin AFP cho rằng, nếu các quan chức phương Tây xác nhận việc Nga đang có các bước đi nhằm giảm lực lượng gần biên giới Ukraine, điều đó sẽ làm giảm lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.
Trong khi đó, trả lời Sky News, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, chỉ khi Nga rút quân hoàn toàn khỏi biên giới với Ukraine thì London mới tin Moscow không có kế hoạch tấn công Kiev. “Người Nga tuyên bố họ không có kế hoạch tấn công, nhưng chúng ta cần thấy họ rút toàn bộ quân để chứng minh điều đó là đúng”, bà Truss nói.
Các nỗ lực ngoại giao tiếp tục được thúc đẩy. Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau khi gửi thông điệp đoàn kết với Ukraine trong chuyến thăm Kiev thì đến Moscow để gặp gỡ Tổng thống Putin. Theo AP, ông Scholz yêu cầu “các bước đi rõ ràng nhằm giảm leo thang căng thẳng hiện tại” từ Nga, đồng thời thúc giục Moscow chấp nhận đề nghị đối thoại. Tuyên bố giảm lực lượng gần Ukraine được Nga đưa ra ngay trước cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Scholz và Tổng thống Putin.
Những đồn đoán vẫn đang dấy lên về động thái sắp tới của Nga. Song, thêm một tín hiệu lạc quan là Ngoại trưởng Sergei Lavrov trong cuộc họp với Tổng thống Putin được phát sóng trên truyền hình đã nhấn mạnh chính phủ Nga nên tiếp tục đối thoại, dù phương Tây đến nay vẫn từ chối các yêu cầu của Moscow.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14-2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bày tỏ hy vọng các kênh đối thoại giữa nước này với phương Tây sẽ có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề Ukraine và có tính đến các lợi ích của Moscow. Điều đó cho thấy cánh cửa ngoại giao vẫn chưa khép lại.
PHÚC NGUYÊN