Quốc tế
Pháp cùng các đối tác xem xét lại sự hiện diện quân sự tại Mali
Pháp và lực lượng đặc nhiệm Takuba sẽ cùng xem xét "từ nay đến giữa tháng 2" để đưa ra quyết định có thay đổi nào đối với sự hiện diện của lực lượng này tại Mali hay không.
Binh sĩ thuộc Lực lượng đặc nhiệm Takuba được triển khai tại Menaka, Mali, ngày 7-12-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 1-2, Pháp cho biết sẽ cùng các nước đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) xem xét lại sự hiện diện của binh sĩ nước này tại Mali.
Tuyên bố trên được đưa ra 1 ngày sau khi chính quyền quân sự tại Mali yêu cầu Đại sứ Pháp rời khỏi quốc gia Tây phi này.
Phát biểu trên đài phát thanh Franceinfo, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal nhấn mạnh: "Rõ ràng là không thể để tình trạng hiện nay tiếp diễn."
Theo ông, Paris và lực lượng đặc nhiệm Takuba của châu Âu chống thánh chiến ở khu vực Sahel châu Phi sẽ cùng xem xét "từ nay đến giữa tháng 2" để đưa ra quyết định có thay đổi nào đối với sự hiện diện của lực lượng này tại Mali hay không.
Trước đó, ngày 21-1, Pháp thông báo triệu hồi đại sứ nước này tại Mali, sau khi chính quyền quân sự Mali yêu cầu Đại sứ Pháp rời khỏi quốc gia Tây Phi này trong vòng 72 giờ do những phát biểu của giới chức trách Pháp liên quan đến chính phủ chuyển tiếp tại Mali.
Căng thẳng gia tăng giữa Mali và các quốc gia châu Âu sau khi chính quyền quân sự ở Mali không tổ chức được các cuộc bầu cử sau hai cuộc đảo chính quân sự xảy ra vào tháng 8-2020 và tháng 5-2021.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng việc chính quyền quân sự ở Mali kéo dài quá trình chuyển tiếp khiến tình hình ở nước này trở nên "mất kiểm soát" và Paris đang thảo luận với các đối tác về cách điều chỉnh chiến lược chống khủng bố tại quốc gia châu Phi này.
Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 9-1 cũng áp đặt các biện pháp cấm vận thương mại và đóng cửa biên giới đối với Mali, liên quan việc trì hoãn bầu cử tại nước này.
Lực lượng Takuba đồng hành cùng các binh sĩ Mali trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến. Lực lượng này được thành lập hồi tháng 3-2020, sau khi Pháp rút lực lượng Barkhane của nước này triển khai chống thánh chiến tại Mali. Ngoài Pháp là quốc gia dẫn đầu, lực lượng Takuba còn bao gồm các binh sĩ của Hà Lan, Estonia, Thụy Điển, Bỉ, Cộng hòa Séc, Na Uy, Bồ Đào Nha, Italy và Hungary.
Cùng ngày 1-2, các quan chức ngoại giao EU cho biết EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 5 thành viên của chính quyền quân sự Mali sau khi hủy bỏ thỏa thuận tổ chức các cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 2.
Theo các quan chức ngoại giao, toàn bộ 27 nước thành viên EU đã nhất trí ủng hộ các biện pháp, dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng này.
Theo Vietnam+