Sứ mệnh ngoại giao quan trọng của Tổng thống Pháp

.

Khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine, Điện Kremlin là điểm đến hàng đầu của các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có chuyến công du được cho là “canh bạc” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) dự kiến gặp gỡ người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Moscow ngày 7-2 (giờ địa phương). Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) dự kiến gặp gỡ người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Moscow ngày 7-2 (giờ địa phương). Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm Nga ngày 7-2. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán thăm Nga hồi tuần trước. Và trong những ngày tới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có mặt ở quốc gia này.

Phát biểu trước báo giới về cuộc gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi đến thủ đô Kiev của Ukraine, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Ưu tiên của tôi trong vấn đề Ukraine là đối thoại với Nga và giảm căng thẳng”. Theo đó, người đứng đầu Điện Élysée muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy ở Berlin gồm 4 bên: Đức, Pháp, Nga và Ukraine, trên cơ sở thỏa thuận Minsk. Các thỏa thuận Minsk được Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ký kết năm 2014 và 2015 nhằm chấm dứt xung đột ở đông Ukraine, nhưng cho đến nay các thỏa thuận này vẫn chưa được thực hiện.

Trước đây, những nỗ lực ngoại giao của châu Âu từng giúp xoa dịu căng thẳng. Đàm phán theo định dạng Normandy đã chấm dứt các cuộc xung đột quy mô lớn ở đông Ukraine. Pháp cũng đã tổ chức cuộc gặp giữa 4 nước Đức, Pháp, Nga và Ukraine ở Paris hôm 26-1; các bên thống nhất rằng việc ngừng bắn phải được tất cả các bên duy trì phù hợp với các thỏa thuận, đồng thời mô tả việc đổi mới đàm phán định dạng Normandy là “tín hiệu rất tích cực” cho triển vọng giảm leo thang căng thẳng. Giờ đây, đàm phán ở Berlin sắp tới được cho là sẽ đưa các bên xích lại gần nhau, giúp tạo ra sự ổn định.

Theo AP, Tổng thống Macron khẳng định châu Âu phải có tiếng nói trong cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Nga và phương Tây vốn đe dọa sự ổn định của “lục địa già”. Trong những ngày gần đây, ông Macron và ông Putin đã có 3 cuộc trao đổi qua điện thoại. Không những thế, ông Macron còn có các cuộc điện đàm với các Tổng thống Ukraine và Mỹ. “Mục tiêu là không để xung đột vũ trang diễn ra ở cửa ngõ của châu Âu”, người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal nhấn mạnh.

Nga đã điều khoảng 100.000 binh sĩ đến gần biên giới Ukraine, đồng thời đưa ra các đề xuất an ninh yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không kết nạp Ukraine làm thành viên.

Tổng thống Macron luôn cho rằng, Nga không thể bị tách rời khỏi an ninh châu Âu. Cách đây vài ngày, ông nhấn mạnh châu Âu sẽ không đạt được sự ổn định và trật tự nếu các nước khu vực không tìm ra giải pháp chung với những quốc gia láng giềng, trong đó có Nga. Hơn nữa, Liên minh châu Âu (EU) cũng không thể bị gạt ra bên lề các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về an ninh của “lục địa già”. Pháp có thể được xem là đối tác thân thiện nhất với Nga trong nội bộ các nước EU nên ông Macron muốn giải quyết những căng thẳng ngoại giao đang tồn tại, ngăn chặn cuộc chiến có khả năng xảy ra tại biên giới Ukraine, xoa dịu mối quan ngại của Moscow từ việc NATO “đông tiến”. Và một mục tiêu quan trọng nữa, theo các nhà quan sát, đó là đưa Nga vào hệ thống an ninh mới của châu Âu để Moscow không xích lại gần Bắc Kinh, nhất là sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề phiên khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Các nhà quan sát nhận định, chuyến công du Nga và Ukraine lần này của Tổng thống Macron là “canh bạc chính trị” khi ông đang đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 4 tới. Đây là cơ hội để ông “ghi điểm” mặc dù chưa rõ nhà lãnh đạo này có tái tranh cử hay không. Song, người đứng đầu chính phủ Pháp có thể bị “mất mặt” nếu sứ mệnh “cân bằng trật tự an ninh mới của châu Âu” lần này thất bại.

Trong lúc đó, hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, chuyến công du của Tổng thống Macron là “rất quan trọng” nhưng “tình hình quá phức tạp để mong đợi sự đột phá ngay sau cuộc gặp (giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Macron)”.

HOÀNG DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.