Nga và Ukraine lên kế hoạch vòng đàm phán thứ ba sẽ diễn ra vào ngày 7-3 sau hai vòng đối thoại không mang lại kết quả cụ thể trong việc tìm lối thoát cho cuộc xung đột.
Người dân Ukraine rời thị trấn Irpin ngày 5-3. Ảnh: AP |
Hãng tin TASS của Nga cho biết, ông David Arakhamia - thành viên trong đoàn đàm phán của Ukraine - xác nhận Kiev và Moscow sẽ tổ chức vòng đàm phán vào ngày 7-3. Ông Mykhailo Podolyak - thành viên khác trong đoàn đàm phán của Ukraine - bày tỏ mong muốn vòng đối thoại thứ ba diễn ra càng sớm càng tốt. Trả lời báo chí, ông Podolyak nói rằng, ông nhận thấy có sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nga và hai bên “bắt đầu có các cuộc đàm phán mang tính xây dựng”.
Israel thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải
Trong lúc chờ Nga và Ukraine một lần nữa ngồi vào bàn đối thoại, những nỗ lực ngoại giao vẫn được xúc tiến từ nhiều hướng nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng khi chiến dịch quân sự của Moscow tại nước láng giềng bước sang ngày thứ 11.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Washington, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và Nga đối thoại, giải quyết những vấn đề tích tụ trong nhiều năm. Ông Vương Nghị còn đề cập ảnh hưởng tiêu cực của việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông đối với môi trường an ninh của Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã bí mật tới Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin với vai trò trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine. Ông Bennett là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ Tổng thống Putin sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24-2. Đến nay, ông Bennett vẫn luôn bày tỏ lập trường thận trọng đối với cuộc xung đột ở Ukraine, khẳng định mối quan hệ mạnh mẽ giữa Israel với cả Moscow lẫn Kiev. Song, các nhà quan sát cho rằng, việc ông Bennett bí mật công du Moscow là điều hiếm thấy.
Israel là một trong số các quốc gia muốn làm trung gian hòa giải xung đột giữa Nga và Ukraine. Song, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, ủng hộ vai trò này của Trung Quốc và cho rằng đây là điều mà phương Tây không làm được. Ông Borrell cũng loại trừ việc khôi phục đàm phán theo định dạng Normany - cơ chế đàm phán 4 bên gồm Pháp, Đức, Nga, Ukraine về khu vực Donbass ở miền đông Ukraine.
Mở hành lang nhân đạo
Một vấn đề đang được thế giới quan tâm là hành lang nhân đạo được mở cho người dân Ukraine. Ngày 6-3, Hội đồng thành phố Mariupol của Ukraine bắt đầu sơ tán dân thường qua các hành lang nhân đạo đã được Kiev và Moscow thống nhất một ngày trước đó. Theo đó, khoảng 400.000 người dân có thể rời Mariupol bằng xe buýt hoặc phương tiện cá nhân. Hành lang nhân đạo ở Mariupol được cho là phép thử đối với những nơi khác đang bị bao vây.
Tại Ba Lan, một số trung tâm thương mại được chuẩn bị sẵn để đón những người sơ tán từ Ukraine. Trong khi đó, ở thủ đô Berlin của Đức, nhiều khách sạn và nhà thờ được nâng công suất hoặc chuyển công năng thành nơi tạm trú cho những người tị nạn Ukraine. Các nhà chức trách ước tính hiện có hơn 787.000 người Ukraine chạy sang Ba Lan và gần 38.000 người sang Đức
Hãng tin CNN dẫn thông tin từ Cao ủy về tị nạn của Liên Hợp Quốc Filippo Grandi cho hay, tính đến ngày 6-3, số người từ Ukraine sang các nước láng giềng đã vượt mốc 1,5 triệu người, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận Nga đã giành được quyền kiểm soát 2 nhà máy điện hạt nhân của Kiev và đang hướng tới nhà máy Yuzhnoukrainsk, cách thành phố Mykolaiv 120km về phía bắc. Hai nhà máy điện hạt nhân mà Nga đang kiểm soát là Chernobyl - cơ sở không hoạt động nhưng vẫn được bảo trì, và Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nằm ở thành phố Enerhodar.
Châu Âu không muốn phụ thuộc nguồn cung khí đốt của Nga Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga thông qua việc đa dạng hóa, sử dụng hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng. Theo bà Ursula von der Leyen, nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của châu Âu là một trong những vấn đề quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh EU ở thành phố Versailles (Pháp) ngày 10 và 11-3. Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước EU và 45% lượng khí đốt nhập khẩu trên thế giới. |
VĨNH AN