Không nước nào đạt chuẩn chất lượng không khí của WHO

.

Theo báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2021 của công ty giám sát chất lượng không khí IQAir (Thụy Sỹ) công bố ngày 22-3, không quốc gia nào đạt chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong năm 2021.

Theo hãng tin Reuters, năm 2021, WHO khuyến cáo nồng độ bụi mịn trong không khí (PM 2.5) trung bình hằng năm không vượt quá 5 microgam/m3; thậm chí ngay cả ở các nồng độ thấp cũng đã gây ra những nguy cơ sức khoẻ đáng kể. Tuy vậy, trong số 6.475 thành phố được IQAir khảo sát, chỉ có 3,4% số thành phố đáp ứng tiêu chuẩn này trong năm 2021, trong khi có đến 93 thành phố có mức PM 2.5 cao gấp 10 lần khuyến cáo.

Giám đốc khoa học chất lượng không khí của IQAir Christi Schroeder nhận định, nhiều quốc gia đang có bước tiến lớn trong việc giảm bụi mịn, song tình trạng ô nhiễm ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang ngày càng trầm trọng hơn đáng kể.

Báo cáo cho thấy mức độ ô nhiễm tổng quan ở Ấn Độ đã tệ đi trong năm 2021 và New Delhi tiếp tục là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Bangladesh vẫn là quốc gia ô nhiễm nhất, không thay đổi so với năm ngoái. Trong khi đó, chất lượng không khí ở Trung Quốc đã được cải thiện trong năm 2021, với chỉ số PM 2.5 trung bình ở mức 32,6 microgam/m3, xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng (Trung Quốc xếp vị trí thứ 14 trong năm 2020).

Cũng trong ngày 22-3, Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall (Đại học Manchester, Anh) công bố báo cáo cho thấy, 19 quốc gia có GDP bình quân đầu người (không tính thu nhập từ dầu khí) trên 50.000 USD cần phải chấm dứt hoạt động sản xuất gas và dầu khí vào năm 2034 thì mới có 50% cơ hội giới hạn sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Trong nhóm này có Mỹ, Na Uy, Anh, Canada, Úc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tiếp sau đó, 14 quốc gia khác có GDP bình quân đầu người khoảng 28.000 USD (không tính thu nhập từ dầu khí) cần ngừng hoạt động khai thác vào năm 2039. Nhóm quốc gia tiếp theo gồm Trung Quốc, Brazil và Mexico cần loại bỏ khai thác dầu mỏ và khí đốt vào năm 2043. Sau đó đến các nước như Indonesia, Iran và Ai Cập vào năm 2045. Chỉ có những quốc gia khai thác dầu khí nghèo nhất như Iraq, Libya và Angola có thể tiếp tục hoạt động này đến năm 2050.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.