Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (năm 1991) đến nay, tại lục địa già đã từng xảy ra các cuộc xung đột khác nhau nhưng chưa bao giờ đặt Mỹ và các đồng minh châu Âu đứng trước hàng loạt thách thức nghiêm trọng về chính trị, kinh tế và cả an ninh-quốc phòng như cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong chuyến công du đến châu Âu lần này. Ảnh: AP |
Do vậy, ông chủ Nhà Trắng không thể tiếp tục ở lại Washington và chỉ giới hạn hành động trong việc kêu gọi các đồng minh cùng tung ra những biện pháp trừng phạt nặng nhằm vào Nga, hay ký khoản viện trợ 800 triệu USD mà trong đó phần lớn là vũ khí cho Ukraine...
Tầm ảnh hưởng toàn cầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng như những bất đồng trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden có mặt gần “hỏa tuyến” để trực tiếp quan sát, lắng nghe, đánh giá và thảo luận với các đồng minh về nhữngvấn đề liên quan thuộc các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế... nhằm đưa ra các biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng.
Theo thông báo của Nhà Trắng, từ ngày 23-3 (theo giờ Washington), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vượt Đại Tây Dương đến Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở của NATO và EU để tham dự các cuộc họp và gặp các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Sau đó, ông Biden dự định đến Ba Lan, nước đồng minh có chung biên giới với Ukraine.
Chuyến công du lần này của ông Biden không chỉ hàm ý bảo toàn vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế, mà còn củng cố chính địa vị của đảng Dân chủ của ông Biden, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang ở rất gần.
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Tổng thống Biden sẽ làm việc với lãnh đạo các nước NATO để có những điều chỉnh lâu dài hơn trong việc bố trí lực lượng NATO, đồng thời tuyên bố “hành động chung” nhằm tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, trước chuyến công du của ông Biden, ngày 21-3, EU chính thức thông qua Định hướng chiến lược (La bàn chiến lược) về an ninh, quốc phòng tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng ở Brussels. Mục tiêu của Định hướng chiến lược là đưa EU trở thành tổ chức có thể cung cấp sự bảo đảm an ninh mạnh mẽ và có năng lực hơn, nâng cao quyền tự chủ chiến lược của khối và khả năng làm việc với các đối tác để bảo vệ các giá trị và lợi ích của EU.
Theo định hướng này, EU sẽ sử dụng các nhóm tác chiến được thành lập vào năm 2007 để tạo thành lực lượng phản ứng gồm 5.000 binh sĩ. Các nhóm chiến đấu đang hoạt động song chưa bao giờ được sử dụng vì thiếu ý chí chính trị và phương tiện tài chính, sẽ thực hiện các hành động bên ngoài của EU. Lực lượng này sẽ được tạo thành từ các đơn vị bộ binh, không quân, hải quân và có khả năng vận tải để có thể thực hiện các biện pháp can thiệp, cứu và sơ tán công dân châu Âu trong các cuộc xung đột.
Động thái này của EU được giới quan sát đánh giá như là một “tuyên ngôn độc lập” “thầm kín” của châu Âu dành cho NATO nhằm cải thiện khả năng hành động của riêng EU một cách quyết đoán trong các cuộc khủng hoảng, bảo vệ an ninh - quốc phòng của mình và sự an toàn của các công dân.
Mặt khác, trong vấn đề trừng phạt Nga về năng lượng, Mỹ cũng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của một số thành viên EU. Bởi nhiều nước EU, nhất là Đức - nước chủ chốt của khối còn phụ thuộc đến 40% vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga và không dễ dàng tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế trong “một sớm, một chiều”.
Việc Mỹ thuyết phục các nước thành viên NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine cũng gặp không ít trở ngại. Kể từ khi xung đột quân sự bùng nổ tại Ukraine cho đến tận ngày 20-3, Washington vẫn không thay đổi quan điểm: NATO sẽ không trực tiếp đọ sức với quân đội Nga. Lý do được đưa ra là bởi Ukraine chưa phải là thành viên NATO.
Thay vào đó, Lầu Năm Góc cũng như Nhà Trắng hứa hẹn sẽ giúp Ukraine có được các hệ thống phòng không có tầm bắn xa hơn tên lửa Stinger vác vai trên mặt đất mà không gây xung đột trực tiếp với Nga. Bởi vậy, theo một số nguồn tin, Mỹ được cho là đang thuyết phục nước thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S400 (mà nước này mua của Nga) sang cho Ukraine sử dụng. Tuy nhiên, chưa ai quên, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng “dậy sóng” khi Ankara đặt mua từ Nga hệ thống này để rồi hứng chịu lệnh trừng phạt của Washington.
Có thể nói, chuyến công du “xử lý khủng hoảng” của ông Biden đến châu Âu lần này là vô cùng khó khăn, phức tạp bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng, NATO buộc phải thay đổi chiến lược và nội bộ EU còn những bất đồng về chính sách phòng thủ và năng lượng.
TUYẾT MINH