Ai hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine?

.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 2 tháng và không có dấu hiệu hạ nhiệt khi Moscow ngày 18-4 tuyên bố bắt đầu giai đoạn hai “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, còn Kiev thề sẽ chiến đấu đến cùng.

Điều đó cho thấy, việc tìm kiếm hòa bình trên bàn đàm phán giữa Nga với Ukraine vẫn còn xa vời.

Một câu hỏi mà các nhà quan sát đặt ra là ai hưởng lợi nhiều nhất khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài?

Về kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, chưa thể nói Nga, Ukraine hay Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)… đạt được mục đích cạnh tranh địa chính trị hay tính toán thiệt hơn cả trước mắt lẫn lâu dài. Nhưng chỉ riêng EU thì có thể cảm nhận rất rõ những tổn thất về kinh tế do tác động của cuộc xung đột.

EU đang đau đầu tính toán những thiệt hại và tổn thất to lớn do việc cắt đứt nhiều mối quan hệ về kinh tế và thương mại với Nga, chưa kể việc phải đón nhận tới hàng triệu người tị nạn Ukraine. Thách thức lớn với khối 27 thành viên là phải tìm nguồn cung thay thế dầu mỏ, khí đốt, nguyên vật liệu cơ bản cho sản xuất công nghiệp và cả lương thực của Nga trên thị trường châu Âu. Các nước EU đã phải chi hàng trăm tỷ USD để trợ giá khí đốt, xăng dầu, hỗ trợ người nghèo đang đối mặt với lương thực, thực phẩm khan hiếm và tăng giá chóng mặt.

Trong khi đó, tổn thất mà Mỹ phải chịu liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine không lớn lắm, mặc dù việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga gây ra một số khó khăn nhất định. Trái lại, Washington còn có thể hưởng lợi rất lớn từ cuộc xung đột này trên các lĩnh vực, từ khí đốt, công nghiệp, đến nông nghiệp…

Để tạo điều kiện cho các nước EU cấm vận hoàn toàn khí đốt, dầu lửa và không lệ thuộc vào khí đốt của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa hẹn giúp châu Âu giải bài toán năng lượng bằng cách cung cấp khí đá phiến, về lâu dài thay thế cho 30% tiêu thụ khí đốt mà EU vẫn phải nhập từ Nga lâu nay. Các nhà sản xuất khí hóa lỏng (GNL) của Mỹ đã nhìn thấy cửa làm ăn lớn. Họ gia tăng áp lực với chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden để có được các nhượng bộ mới trong việc phát triển đầu tư vào các mỏ khai thác khí đá phiến. Theo nhật báo Le Figaro (Pháp), các tập đoàn lớn của Mỹ như ExxonMobil và Qatar Energy sẽ đưa vào hoạt động khu khai thác khí đá phiến khổng lồ tại bang Texas vào năm 2024. Như vậy, khoản đầu tư 10 tỷ USD của họ giờ đây được bảo đảm sinh lời nhờ các khách hàng châu Âu.

Về quân sự, cuộc xung đột Nga - Ukraine giữa lòng châu Âu khiến EU phải ra sức chi viện cho Kiev và tăng chi tiêu cho quốc phòng. Chẳng hạn, chỉ ít ngày sau khi cuộc xung đột nổ ra, Đức đã cam kết tăng chi 100 tỷ euro cho quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội. Còn các nước khác như Pháp, Ý, Ba Lan… cũng tăng chi quốc phòng, chủ yếu mua sắm vũ khí từ Mỹ.

Đặc biệt, đáp ứng lời kêu cứu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Ukraine cần “vũ khí, vũ khí và vũ khí”, Washington và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không ngần ngại bổ sung các khoản viện trợ quân sự khổng lồ cho Kiev, hiện đã lên nhiều tỷ USD và cuối cùng số tiền này sẽ được đổ về túi các nhà công nghiệp chiến tranh Mỹ chứ không phải ai khác. Vì thế, Mỹ rất hăng hái kêu gọi các đồng minh cùng với mình trợ giúp tiền bạc, vũ khí cho Ukraine bằng mọi giá, mọi điều kiện. Riêng Mỹ đã chi cho Ukraine gần 3 tỷ USD. Đức và Anh cũng chi nhiều tỷ USD vũ khí cho Kiev…

Có thể nói, đây là cơ hội vàng mang lại lợi ích to lớn cho các tổ hợp công nghiệp - quân sự của Mỹ. Chẳng thế mà Mỹ khuyến khích các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech, các nước vùng Baltic… chuyển giao tên lửa, xe tăng, máy bay của Liên Xô trước đây cho Ukraine, rồi Washington sẽ cung cấp máy bay, tên lửa của mình cho những nước này thay thế.

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) số ra gần đây cho rằng, “cuộc xung đột Nga - Ukraine dường như hoàn toàn liên quan đến lợi ích của Mỹ. Người hưởng lợi từ tất cả những bất ổn hiện nay trên thị trường toàn cầu là Mỹ”. Đặc biệt, ngành dầu khí và các tổ hợp công nghiệp - quân sự của Mỹ hoạt động hết công suất để lấp khoảng trống dầu khí mà Nga để lại cho EU cũng như cung cấp vũ khí cho Ukraine chống Nga và các đồng minh châu Âu đối phó với nguy cơ bất ổn về an ninh.

Xét từ nhiều phương diện, dù xung đột Nga - Ukraine diễn ra trong ngắn hạn hay dài hạn thì Mỹ vẫn là “ngư ông đắc lợi”!

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.