Bầu cử Tổng thống Pháp: Cơ hội chia đều

.

Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng cử viên Tổng thống Pháp là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen là cơ hội để giành sự ủng hộ của những cử tri đang do dự trước ngày bỏ phiếu 24-4.

Tổng thống Emmanuel Macron (bên trái) và ứng cử viên Marine Le Pen thể hiện những quan điểm khác biệt trong cuộc tranh luận trên truyền hình. Ảnh: AP
Tổng thống Emmanuel Macron (bên trái) và ứng cử viên Marine Le Pen thể hiện những quan điểm khác biệt trong cuộc tranh luận trên truyền hình. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AFP cho biết, cuộc tranh luận diễn ra tối 20-4 (sáng sớm 21-4, giờ Việt Nam) với những quan điểm khác biệt giữa ông Macron và bà Le Pen trong tất cả các vấn đề đối nội, đối ngoại. Sức mua, vai trò của nước Pháp ở châu Âu, cuộc xung đột tại Ukraine và mối quan hệ với Nga, cải cách hưu trí và hệ thống y tế sau dịch bệnh, giáo dục, biến đổi khí hậu, an ninh, nhập cư, đạo Hồi…, hàng loạt chủ đề đã được hai ứng cử viên đề cập trong gần 3 tiếng đồng hồ.

Tổng Macron muốn bảo vệ các kế hoạch về chủ quyền và sự độc lập của nước Pháp, cải thiện giáo dục và y tế, tạo thêm nhiều việc làm. Trong khi đó, bà Le Pen khẳng định sẽ lãnh đạo nước Pháp trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ và an ninh. Bà hứa hẹn sẽ kiên quyết với nạn nhập cư, chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và nâng cao sức mua, với mục đích “trả lại tiền” và “đất nước” cho người Pháp.

Bà Le Pen chỉ trích hồ sơ kinh tế của Tổng thống Macron, trong khi ông chủ Điện Élysée nhằm vào chính sách đối ngoại của đối thủ, cả kế hoạch rút Pháp khỏi EU. Tuy nhiên, bà Le Pen phủ nhận việc muốn đưa nước Pháp ra khỏi EU, lý giải rằng ông Macron coi trọng chủ quyền châu Âu hơn chủ quyền nước Pháp nên cần phải thay đổi các hiệp ước của châu Âu để kiểm soát tốt hơn biên giới và lượng lao động từ các nước Đông Âu tràn sang Pháp.

Đặc biệt, về sức mua - chủ đề thu hút sự quan tâm lớn nhất của cử tri Pháp, theo AFP, bà Le Pen cam kết có các biện pháp để giảm chi phí sinh hoạt của người dân. Bà khẳng định sẽ làm tốt hơn so với Tổng thống Macron trong việc cải thiện cuộc sống, nâng cao giá trị việc làm và thúc đẩy sức mua của người dân.

Tổng thống Macron cho biết chủ trương cải thiện cuộc sống của người dân Pháp sẽ được hiện thực hóa thông qua các dự án lớn về giáo dục và y tế. Ông muốn cải thiện thu nhập của các hộ gia đình hiệu quả hơn so với chính sách của bà Le Pen và nước Pháp sẽ trở thành cường quốc sinh thái trong thế kỷ 21.
Ông Macron nêu rõ thành tựu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua. Ông cam kết không tăng thuế và tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng mỗi năm cho đến năm 65 tuổi vào năm 2031. Còn bà Le Pen tuyên bố sẽ cắt giảm thuế VAT từ mức 20% hiện nay xuống còn 5,5% đối với mặt hàng năng lượng; đồng thời bảo vệ chính sách tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.

Các nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Macron vẫn giữ thế chủ động trong cuộc tranh luận, còn bà Le Pen, cũng như năm 2017, lại để đối thủ chi phối. Thăm dò dư luận do hãng Elabe thực hiện ngay sau khi kết thúc tranh luận cho thấy, 59% số người được hỏi đã nói rằng ông Macron thể hiện thuyết phục hơn, so với 39% dành cho bà Le Pen. Hãng tin AFP dẫn lời GS. Arnaud Mercier chuyên ngành truyền thông chính trị tại trường Đại học Paris II (Panthéon-Assas) nhận định: “Trong bối cảnh hiện nay, chiến thắng cuộc tranh luận có thể mở đường cho một thắng lợi trong bầu cử”.

Tuy nhiên, không có nghĩa là bà Le Pen không còn cơ hội chiến thắng. Dù “ông Macron tấn công, bà Le Pen phòng thủ” trong cuộc tranh luận, như báo Le Parisien mô tả, hiện vẫn còn 10% số cử tri chưa xác định sẽ bỏ phiếu cho ai và những lá phiếu này có thể làm thay đổi cục diện. Vì vậy, cơ hội vẫn được chia đều cho hai ứng cử viên. Và khu vực bầu cử của ông Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên đã thất bại ở vòng 1, được cho là “yếu tố then chốt” để phân định cuộc đua ngày 24-4 tới.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.