Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo sẽ ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu “các quốc gia thù địch” – trong đó bao gồm tất cả các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) không thanh toán hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp.
Nhiều nước EU phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga. Ảnh: AP |
Dòng khí đốt của Nga vẫn chảy sang châu Âu. Nhưng EU và đầu tàu kinh tế lớn nhất của khối là Đức đang gấp rút ứng phó với kịch bản nguồn cung khí đốt này bị đứt gãy, có thể là xuất phát từ lệnh cấm vận của EU, hoặc là Moskva chủ động dừng cung ứng.
Giới kinh tế và chuyên gia phân tích nhận định không có khí đốt Nga, châu Âu sẽ phải đối mặt với tình cảnh sử dụng luân phiên khí đốt, suy thoái kinh tế, giá năng lượng tăng phi mã vượt các mức đỉnh từng thiết lập gần đây.
EU từ chối đáp ứng yêu sách của Nga về thanh toán bằng đồng rúp, Moskva cũng không đóng van khí đốt sang châu Âu tức thời sau hạn chót đưa ra là ngày 1-4. Nguyên do là bởi khí đốt là mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho Nga và các khoản thanh toán cho hợp đồng sau thời hạn 1-4 phải đến cuối tháng hoặc đầu tháng 5 mới hết hạn. Tuy nhiên, điện Kremlin vẫn phát đi tín hiệu cho biết thanh toán khí đốt bằng đồng rúp chỉ là điểm khởi đầu, Nga sẽ áp dụng hình thức này với các sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu thô khác.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các doanh nghiệp thuộc EU có thể tuân thủ hệ thống thanh toán mà Nga đề xuất đối với các hợp đồng mua khí đốt mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU chống Moskva.
Theo tài liệu hướng dẫn mà EC gửi tới các nước thành viên EU và được công bố trực tuyến, các quy trình thanh toán theo nghị định nói trên của Nga không nằm trong các lệnh trừng phạt của khối này đối với Nga. Mặc dù vậy EC cũng nhấn mạnh các thủ tục thanh toán theo yêu cầu của sắc lệnh trên hiện chưa rõ ràng.
Theo văn bản hướng dẫn của EC, các công ty có thể bổ sung vào các giao dịch tuyên bố coi mình đã hoàn tất các nghĩa vụ hợp đồng một khi đã thanh toán bằng đồng USD hoặc euro và sau đó tiền này được chuyển đổi sang đồng rúp, chứ không phải thanh toán trực tiếp bằng đồng nội tệ của Nga.
Katja Yafimava, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhìn nhận việc EU từ chối thanh toán trực tiếp bằng đồng rúp sẽ là bài kiểm định đối với lời đe dọa của Tổng thống Putin về đóng băng cung cấp khí đốt và các khách hàng ở châu Âu “sẽ phải đối diện với nguy cơ hiện hữu về bị ngắt nguồn cung”.
Giới phân tích và chuyên gia hoạt động trong ngành ngân hàng, năng lượng tại Đức nhận định nếu Nga ngừng cấp khí đốt, thành viên EU hứng chịu tổn thất lớn nhất không ai khác chính là Đức, đầu tàu kinh tế của khối. Nguy cơ lớn nhất khi đó sẽ là việc Đức phải áp dụng chính sách sử dụng khí đốt luân phiên, suy thoái kinh tế.
EU ban hành hướng dẫn thanh toán khí đốt bằng đồng rúp Nga. Ảnh: Getty Images |
Đối với châu Âu, tác động lan tỏa, dây truyền từ suy thoái kinh tế Đức là điều dễ nhận thấy. Bởi hiệu ứng “tuyết lở” từ giá năng lượng leo thang sẽ kéo hầu hết các nền kinh tế EU vào suy thoái, đình đốn.
Nga đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ khí đốt tại Đức. Nhiều ngành kinh tế tại Đức sử dụng khí đốt và khoảng 50% hộ gia đình ở Đức cũng sử dụng mặt hàng nhiên liệu này để sưởi ẩm. Cuộc chiến tại Ukraine đã làm phát lộ yếu điểm của Đức – nước dễ bị tổn thương trước nguồn cung khí đốt Nga. Châu Âu hiện đã ban hành lệnh trừng phạt đối với mặt hàng than của nga, nhưng vẫn chia rẽ sâu sắc về khả năng áp đặt cấm vận dầu mỏ. Riêng với khí đốt Nga, EU thậm chí còn chưa từng khởi động thảo luận nghiêm túc về vấn đề này.
Gần đây, đại diện nhiều ngành công nghiệp tại Đức đã cảnh báo tác động tiêu cực về khả năng cạnh tranh, hoạt động của doanh nghiệp và rộng hơn là đối với nền kinh tế mà một lệnh trừng phạt khí đốt chống Nga gây ra. Martin Brudermuller, giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất BASF, cho biết lệnh cấm hoàn toàn năng lượng Nga sẽ đẩy các doanh nghiệp Đức vào "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2".
Một dự báo do viện kinh tế đầu ngành của Đức cho biết lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn của EU sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái mạnh ở Đức, khiến sản lượng kinh tế giảm 2,2% trong năm tới và xóa sổ hơn 400.000 việc làm. "Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngắt, Đức sẽ mất 220 tỷ euro (237 tỷ USD) sản lượng kinh tế trong hai năm 2022 và 2023, tương đương 6,5% GDP của Đức", Stefan Kooths – Phó Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel nhận định.
Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) mới đây cũng cảnh báo một lệnh cấm vận khí đốt toàn diện nhằm vào Nga từ EU có thể khiến GDP của Đức suy giảm 5% trong năm nay, với mức tổn thất về sản lượng kinh tế ước tính vào khoảng 165 tỉ euro (178 tỉ USD). Đòn trừng phạt này sẽ kích hoạt giá năng lượng theo thang, đẩy Đức vào thời kỳ suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây.
Theo Baotintuc.vn