Covid-19 tới 6 giờ sáng 12-4: Thế giới xấp xỉ 500 triệu ca bệnh; Hàn Quốc sắp dỡ bỏ mọi biện pháp giãn cách phòng dịch

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 583.302 trường hợp mắc Covid-19 và 1.825 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu xấp xỉ 500 triệu ca, trong đó trên 6,2 triệu người không qua khỏi.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/4/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4-4-2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12-4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 499.618.969 ca, trong đó có 6.205.207 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi Covid-19 như một loại bệnh đặc hữu.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 439 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 55 triệu ca và trên 63.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 11-4, thế giới có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 7/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 7-4-2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, Đức  là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 89.000 ca), trong khi Hàn Quốc cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 200 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, qua đó tiếp tục kiên trì với chiến lược “Không COVID”.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 82.062.989 ca mắc và 1.012.151 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (661.039 ca).

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 183,9 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 143,8 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 97 triệu ca mắc và hơn 1,4 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 56,4 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tripoli, Liban ngày 3/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Tripoli, Liban ngày 3-4-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 11-4, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo ca nhiễm biến thể mới mang tên XE đầu tiên ở nước này là một phụ nữ đến từ Mỹ và xuống sân bay Narita vào ngày 26-3. Biến thể XE là biến thể tái tổ hợp giữa hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của dòng Omicron. Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á báo cáo về biến thể XE, với ca nghi nhiễm được xác định ngày 2-4. Tiếp đó là các ca được ghi nhận tại Ấn Độ ngày 6-4 và 9-4.

Trong khi đó, giới chức thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã phân chia toàn bộ thành phố thành những vùng theo 3 loại trong nỗ lực kiềm chế số ca mắc Covid-19 gia tăng hiện nay. Giới chức thành phố cho biết đã chỉ định 7.624 khu vực quản lý bị phong tỏa, 2.460 khu vực kiểm soát hạn chế và 7.565 khu vực phòng ngừa.

Theo đó, khu vực quản lý bị phong tỏa là những cộng đồng dân cư, làng mạc, các đơn vị lao động hoặc điểm tụ tập ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong 7 ngày qua. Những người tại các khu vực này sẽ trải qua 7 ngày quản lý phong tỏa và tiếp đó là 7 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà. Các dịch vụ thiết yếu sẽ được cung cấp tới tận nhà.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Ontario, Canada, ngày 8/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế ở Ontario, Canada, ngày 8-4-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Vùng kiểm soát hạn chế là những khu dân cư không có ca mắc Covid-19 nào trong 7 ngày qua. Trong vòng 7 ngày này, người dân khu vực này sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà. Những người có nhu cầu cấp thiết ra ngoài như đến bệnh viện, trong hai khu vực nói trên có thể rời khu vực sinh sống của mình vì lý do này, song hoạt động di chuyển của họ chịu sự quản lý chặt chẽ.

rong khi đó, vùng phòng ngừa là những khu dân cư không có ca mắc Covid-19 nào trong 14 ngày qua. Người dân tại vùng này về nguyên tắc được phép di chuyển tại nơi mà họ sinh sống với hạn chế nghiêm ngặt về quy mô tụ tập.

Tuy nhiên, họ vẫn bị cấm đi tới hai vùng nói trên. Giới chức thành phố Thượng Hải cho biết việc phân chia mỗi khu vực có thể được điều chỉnh nhằm đối phó với bất kỳ sự thay đổi nào về tình hình dịch bệnh. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, thành phố Thượng Hải ngày 10-4 ghi nhận 914 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 25.173 ca không có biểu hiện triệu chứng.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Addis Ababa, Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Addis Ababa, Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 đang có xu hướng giảm dần, ngày 11-4, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố chi tiết kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học sau thời gian giảng dạy theo hình thức trực tuyến. Cụ thể, các trường học sẽ nối lại việc giảng dạy trực tiếp nửa ngày theo từng giai đoạn từ ngày 19-4 và có thể bố trí căn cứ theo tình hình thực tế mỗi trường.

Đối với các trường trung học, sau khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học (DSE) bắt đầu từ ngày 22-4, các trường sẽ nối lại các lớp học trực tiếp nửa ngày sớm nhất từ ngày 3-5 và muộn nhất là vào ngày 10-5. Các trường tiểu học sẽ nối lại các lớp học trực tiếp nửa ngày sớm nhất từ ngày 19-4 và các trường có thể quyết định xem có cần chia các lớp học theo giai đoạn hay không, nhưng muộn nhất là vào ngày 3-5 sẽ nối lại việc dạy học trực tiếp toàn trường.

Các trường mẫu giáo sẽ nối lại các lớp học trực tiếp nửa ngày theo từng giai đoạn, sớm nhất vào ngày 3-5. Theo đó, 1-3 học sinh sẽ đi học trở lại từ ngày 3-5, trong khi 2-3 số học sinh còn lại sẽ đi học sau đó 1 tuần kể từ ngày 10-5 và toàn trường là từ ngày 16-5.

Sau khi các trường nối lại việc giảng dạy trực tiếp, giáo viên, nhân viên và học sinh được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày, nếu có kết quả âm tính mới được đến trường. Chính quyền Hong Kong sẽ cung cấp  10 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh cho các trường học và ước tính có hơn 300.000 học sinh cần sử dụng, dự tính đủ cho các trường sử dụng trong tháng 5.

Nhân viên phun thuốc khử trùng tại một bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Thượng Hải , Trung Quốc, ngày 8/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên phun thuốc khử trùng tại một bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Thượng Hải , Trung Quốc, ngày 8-4-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Trưởng Khu hành chính đặc biệt Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), cách làm này nhằm bảo vệ những học sinh chưa tiêm vắc-xin, vì nếu không tiêm vắc-xin các em sẽ dễ bị lây nhiễm và lây bệnh cho học sinh đã tiêm. Tuy nhiên, các học sinh đã tiêm vắc-xin dù có nhiễm sẽ không bị bệnh nặng, học sinh chưa tiêm do không có vắc-xin bảo vệ nên sẽ dễ có triệu chứng nặng.

Học sinh chưa tiêm vắc-xin sẽ không được phép tham gia một số hoạt động ngoại khóa ngoài trời như thể thao, âm nhạc... vào nửa ngày còn lại sau khi hoàn thành lớp học trực tiếp nửa ngày. Ngoài ra, tất cả giáo viên, nhân viên và khách tới trường phải có giấy chứng nhận tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Chính quyền Hong Kong sẽ đánh giá lại và điều chỉnh các biện pháp trên vào cuối tháng 5.

Cục trưởng Cục giáo dục Dương Nhuận Hùng (Kevin Yeung), cho biết nếu tỷ lệ tiêm vắc-xin của học sinh trung học đạt 90% thì có thể tổ chức giảng dạy trực tiếp cả ngày. Đối với trẻ từ 3-11 tuổi do tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp nên các trường tiểu học, mẫu giáo vẫn duy trì các lớp học trực tiếp nửa ngày. Tính đến ngày 10-4, mới chỉ có 329.060 (62,4%) trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 3-11 tuổi hoàn thành mũi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Ngày 10-4, Hong Kong ghi nhận trên 1.900 ca mắc Covid-19, mức thấp rõ rệt so với đỉnh dịch trên 58.000 ca vào ngày 9-3.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 3/4/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 3-4-2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong ngày 11-4, số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc lần đầu tiên trong 7 tuần qua, đã giảm xuống dưới 100.000 ca-ngày trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh ở nước này do biến thể Omicron đang có xu hướng  giảm sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 3.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ngày 11-4 ghi nhận thêm 90.928 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 21 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh lên 15.424.598 ca. Đây là lần đầu tiên, số ca mắc mới tại Hàn Quốc giảm xuống mức 5 chữ số kể từ ngày 22-2 khi phát hiện 99.562 ca mắc mới, và cũng là mức thấp trong gần 2 tháng qua sau mức 90.438 ca ghi nhận vào ngày 16-2.

Số liệu mới nhất này phản ánh xu hướng đi xuống của dịch bệnh, từng dao động từ 300.000-400.000 ca-ngày trong vài tuần qua, với mức cao nhất là 620.000 ca ngày 17-3. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 258 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 19.679 ca. Tỉ lệ tử vong là 0,13%.

Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận về biện pháp tổng thể dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, bao gồm cả việc bỏ đeo khẩu trang cũng như phương án bố trí hệ thống y tế trong tương lai.

Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phát biểu ngày 11-4, Trưởng Ban chiến lược xã hội Ủy ban khắc phục sự cố quốc gia Son Young-rae thuộc Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc cho biết cơ quan chức năng đang trong quá trính thu thập ý kiến nội bộ cũng như từ các chuyên gia, để đánh giá toàn diện vấn đề này. Tình hình hiện tại rất khả quan.

Dự kiến, nội dung dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế sẽ được đưa ra trong cuộc họp Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật ngày 13-4. Theo đó, cơ quan y tế dự kiến sẽ công bố vào cuối tuần này một "kế hoạch hậu đại dịch" nhằm bình thường cuộc sống cho người dân và hệ thống y tế. Hàn Quốc dự kiến hạ cấp phân loại Covid-19 xuống cấp độ 2 theo đó việc quản lý dịch bệnh sẽ tiến hành như với các bệnh dịch đặc hữu khác.

Bắt đầu từ tuần này, các trung tâm y tế cộng đồng và các trạm xét nghiệm tạm thời ở Hàn Quốc sẽ không cung cấp các xét nghiệm nhanh miễn phí cho người dân và chỉ thực hiện xét nghiệm PCR cho các nhóm dễ bị tổn thương, người cao tuổi. Các cá nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19 cần đến phòng khám hoặc bệnh viện tư nhân để làm xét nghiệm và sẽ bị tính phí khoảng 5.000 won (4,07 đô la Mỹ).

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.