"Lợi ích của chính mình"

.

Trên bình diện chung, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tập hợp Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên hai mặt trận chủ chốt là kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, cả hai chiến tuyến đó cũng gặp không ít sự phản ứng quyết liệt ngay trong chính nội bộ EU và NATO.

Bulgaria và Hungary, hai quốc gia NATO đồng thời là thành viên của EU, đã thẳng thừng từ chối tham gia vào chiến dịch do phương Tây phát động nhằm gia tăng sức ép với Nga. Phát biểu trước hàng chục nghìn người ủng hộ cách đây một tuần, khi đề cập tới việc nước này phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho biết: “Nga nhìn vào lợi ích của Nga, trong khi Ukraine nhìn vào lợi ích của Ukraine. Cả Mỹ và Brussels đều không suy nghĩ bằng tâm trí của người Hungary và cảm nhận bằng trái tim của người Hungary. Chúng ta phải đấu tranh vì lợi ích của chính mình”. Còn Tổng thống Bulgaria Rumen Radev hôm 26-3 tuyên bố, ông sẽ không cho phép đất nước của mình tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, cũng được các nhà quan sát cho là trường hợp rất “đặc biệt” trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Hơn 10 năm qua, Ankara nộp đơn và tiến hành hàng chục cuộc đàm phán để gia nhập EU nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Song không vì thế mà Thổ Nhĩ Kỳ chạy theo những điều kiện mang tính ràng buộc của EU để sớm trở thành thành viên. Trong đó nổi lên là chiến dịch thanh trừng lực lượng đảo chính quân sự năm 2016, hay việc mở cửa cho dòng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi tràn vào châu Âu…

Đặc biệt, năm 2017, Ankara quyết định mua các tổ hợp phòng không tiên tiến S-400 của Nga để trả đũa Mỹ vì đã áp lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ. “Cơn sóng ngầm” giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO cứ thế tích tụ, rồi gia tăng sức nóng khi biến cố Nga-Ukraine xảy ra. Trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây tất bật tung ra nhiều biện pháp trừng phạt thì Thổ Nhĩ Kỳ lại tỏ ra không mấy “mặn mà”, đồng thời tiến hành “ngoại giao con thoi” giữa Nga và Ukraine để tháo ngòi nổ xung đột.

Kênh truyền hình TRT Haber (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 11-3 dẫn lời ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, thay vào đó sẽ nỗ lực duy trì đối thoại với Điện Kremlin với mong muốn “giữ kênh lòng tin được mở”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã “giáng một gáo nước lạnh” vào các đồng minh khi tuyên bố: “Nếu các nhà tài phiệt Nga hoặc bất cứ công dân Nga nào muốn đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể”, họ cũng có thể “làm ăn” ở Thổ Nhĩ Kỳ miễn là các hoạt động đó “hợp pháp và không đi ngược luật pháp quốc tế”.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại có động thái như vậy trước yêu cầu của Mỹ cũng như của NATO? Nhà quan sát Anne Andlauer của đài RFI (Istanbul) giải thích: “Để biện minh cho việc từ chối tham gia các loạt trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh đến các lợi ích kinh tế của mình: Sự phụ thuộc của họ trong nhiều lĩnh vực nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là khí đốt, vào thời điểm nước này đang lạm phát hơn 50%/năm.

Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, tuy không nói thẳng ra, cũng cân nhắc khả năng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng giữa Nga và các cường quốc phương Tây”. Trong khi đó, đề cập tới “cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine,” ngay sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO tại Brussels (Bỉ) hôm 25-3, Tổng thống Recep Erdogan cho biết: “Mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là hòa giải các bên”.

Thế mới hay, động thái của Bulgaria, Hungary hay Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đối đầu giữa Nga với Ukraine nói riêng, giữa Nga với EU và NATO nói chung suy cho cùng thì “lợi ích của chính mình”, hay nói cách khác là của quốc gia, dân tộc phải được đặt lên trên hết!

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.