Một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là sẽ giúp tháo gỡ căng thẳng giữa hai nước. Song, có nhiều thông tin và tuyên bố khác nhau về triển vọng gặp thượng đỉnh giữa hai nước.
Nhiều thi thể được tìm thấy ở thị trấn Bucha của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, Nga đã gây ra vụ việc nhưng phía Moscow bác bỏ mọi cáo buộc. Ảnh: Getty Images |
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky khẳng định, còn quá sớm để nói về cuộc gặp cấp cao trước khi hoàn thành một thỏa thuận ở cấp chuyên viên. Theo đó, phía Nga nói rằng, Tổng thống Putin chỉ có thể gặp người đồng cấp Zelensky khi có một thỏa thuận cụ thể bằng văn bản được hai phái đoàn đàm phán thống nhất.
Các nhà ngoại giao của Nga lẫn Ukraine đều ghi nhận tiến triển trong các cuộc đàm phán thời gian qua, nhưng vấn đề đặt ra là bên nào sẽ chi phối đối thoại.
Một trong những “nút thắt” là việc công nhận tình trạng của bán đảo Crimea và vùng Donbass ở đông Ukraine. Trưởng đoàn đàm phán của Nga Medinsky cũng khẳng định lập trường của Moscow liên quan tình trạng bán đảo Crimea và vùng Donbass vẫn không thay đổi. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông báo, khó có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc Donbass sáp nhập vào Nga trước thời điểm cuối năm nay bởi vấn đề ưu tiên là việc kết thúc chiến dịch quân sự và khôi phục kinh tế của khu vực này.
Theo các nhà quan sát, vẫn có khả năng tổ chức gặp thượng đỉnh giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho sự kiện này, tất cả các nội dung của thỏa thuận phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để mang lại kết quả tốt đẹp cho cuộc gặp thượng đỉnh. “Một cuộc gặp không có kết quả là điều không thể chấp nhận được đối với nhà lãnh đạo Nga. Vì vậy, cuộc hội đàm như vậy trên thực tế vẫn chưa diễn ra”, Giám đốc Chương trình Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) Ivan Timofeev lý giải.
Theo hãng tin Interfax, Nga và Ukaine sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cho rằng, Kiev và Moscow sẽ không thể thống nhất tất cả các quan điểm ngay một lúc, nhưng cần tháo gỡ những điểm bất đồng.
Ông Zelensky cũng xác nhận việc đàm phán với Nga trở nên khó khăn hơn liên quan đến quy mô chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine đã đến thăm thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev, sau khi có thông tin phát hiện nhiều thi thể tại đây. Ông Zelensky cho rằng quân đội Nga đã gây ra vụ việc. Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định video phát hiện nhiều thi thể là do các phần tử cực đoan ở Ukraine dàn dựng.
Hiện có thêm nhiều nước bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Theo Reuters, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố các nước Arab sẵn sàng đóng vai trò trung gian nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị bền vững cho cuộc khủng hoảng. Nhóm liên lạc AL (gồm các đại diện Ai Cập, Jordan, Algeria, Iraq, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Sudan) khẳng định cần tiếp tục đàm phán giữa Nga và Ukraine. Nhóm này kêu gọi các bên liên quan ngừng leo thang căng thẳng cũng như những hành động quân sự, đồng thời ngay lập tức theo đuổi giải pháp hòa bình và ngoại giao dựa trên đối thoại.
Sau cuộc đàm phán Nga - Ukraine diễn ra tại thành phố Istanbul ngày 29-3, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục thúc đẩy đối thoại giữa Moscow và Kiev. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã liên tiếp có các điện đàm với người đồng cấp hai nước nhằm trao đổi tình hình và thúc đẩy tiến trình hòa đàm. Thổ Nhĩ Kỳ hiện không tham gia các lệnh trừng phạt đối với Nga, nên Ankara được xem là một nhân tố trung lập.
Giáo sư Khoa học chính trị Marco Revelli thuộc Đại học Đông phương Piedmont (Ý) nhận định: Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine sẽ diễn ra sau khi hai bên đàm phán thành công. Theo vị giáo sư này, đây là giải pháp không chỉ cho các bên liên quan mà nhiều nước khác đều trông đợi.
PHÚC NGUYÊN