Từ ngày 1-4, bên mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng ruble để mua khí đốt của Nga và các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực thi. Đây là quy định nằm trong sắc lệnh mới nhất do Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một ngày trước đó.
Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Tổng thống Putin nêu rõ: “Để mua khí đốt tự nhiên của Nga, bên mua phải mở tài khoản bằng đồng ruble trong các ngân hàng của Nga. Từ các tài khoản này, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện để mua khí đốt”. Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, Nga sẽ coi đây là lỗi vi phạm từ phía người mua và các hợp đồng phải dừng lại.
Truyền thông Nga cho biết Ngân hàng trung ương Nga, cơ quan hải quan và chính phủ Nga có 10 ngày để triển khai cơ chế thanh toán mới. Theo sắc lệnh, tất cả khoản thanh toán sẽ được xử lý bởi ngân hàng Gazprombank, công ty con của tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom. Người mua sẽ chuyển các khoản thanh toán vào tài khoản Gazprombank bằng ngoại tệ, sau đó ngân hàng sẽ chuyển đổi thành ruble và chuyển vào tài khoản ruble của người mua.
Trong khi đó, Đức và Pháp bác bỏ yêu cầu nói trên của Nga vì cho rằng điều này là “hành vi vi phạm hợp đồng không thể chấp nhận được”. Kênh France 24 dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho hay, nước này và Đức đã chuẩn bị cho mọi tình huống, bao gồm cả việc ngừng dòng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu - điều có thể khiến “lục địa già” rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện. Các nước châu Âu-khu vực nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga và thanh toán chủ yếu bằng đồng euro, cũng tuyên bố, tập đoàn Gazprom của Nga không có quyền thay đổi hợp đồng.
Nga hiện cung cấp khoảng 1/3 khí đốt cho châu Âu. Theo công ty tư vấn năng lượng ICIS, doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu ước tính ở mức 350 triệu USD/ngày. Theo giới quan sát, năng lượng được xem là “đòn bẩy mạnh mẽ nhất” mà Nga sử dụng để ứng phó với các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt do liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
NGUYÊN PHI