Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble để mua khí đốt của nước này khiến châu Âu lo ngại về nguy cơ khủng hoảng năng lượng trên diện rộng, đồng thời cũng gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho Moscow.
Cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên Wingas ở đô thị Rehden (Đức). Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, các đường ống khí đốt chảy sang châu Âu vẫn hoạt động bình thường ngày 1-4, dù trước đó Tổng thống Putin sắc ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” muốn mua khí đốt Nga phải thanh toán bằng đồng ruble. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lý giải, sắc lệnh này không ảnh hưởng tới việc chuyển lượng khí đốt mà các khách hàng đã thanh toán trước đó. Theo đó, sắc lệnh này sẽ có hiệu lực khi các khoản thanh toán mới tới hạn vào khoảng nửa sau của tháng 4.
Những hệ lụy kinh tế không nhỏ
Theo hãng tin AP, châu Âu nhập khoảng 40% khí tự nhiên từ Nga, thông qua hệ thống đường ống chạy qua Belarus, Ukraine, Ba Lan và Biển Baltic. Các quốc gia ở “lục địa già” dù đang bước vào giai đoạn thời tiết ấm hơn song vẫn rất cần một lượng lớn khí đốt đáng kể để dự trữ sử dụng trong những tháng mùa đông tới. Theo hãng tin Reuters, chuyên gia năng lượng Kateryna Filippenko tại Công ty tư vấn Wood Mackenzie cảnh báo, khí đốt trong kho chứa ở châu Âu có thể đủ cho mùa xuân và mùa hè mà không cần cắt giảm nhu cầu, nhưng châu lục sẽ có nguy cơ bước vào mùa đông tới với chỉ khoảng 10% lượng khí trong kho vào cuối tháng 10 nếu không thực thi nhanh chóng một số biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Nguy cơ Nga “khóa van” dòng khí đốt tới châu Âu có thể giáng đòn mạnh lên Đức - khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga tại châu Âu. Khả năng mất nguồn cung có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào thế khó, kéo theo nguy cơ khủng hoảng toàn khu vực. Giá khí đốt tăng trong thời gian qua đã khiến những ngành công nghiệp sử dụng nhiều nguồn năng lượng này trở nên thua lỗ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân. Reuters dẫn lời ông Christian Kullmann, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức (VCI), cho biết: “Giá năng lượng tăng cao, nhưng trên hết là kịch bản nguồn cung khí đốt bị cắt, sẽ giáng đòn mạnh vào ngành hóa chất, mẹ của nhiều ngành công nghiệp Đức. Hậu quả không chỉ là nhiều lao động bị sa thải, mà còn là sự sụp đổ nhanh chóng của chuỗi sản xuất công nghiệp ở châu Âu, gây hậu quả khắp toàn cầu”.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định, quyết định của Nga về yêu cầu bên mua khí đốt phải thanh toán bằng đồng ruble không thúc đẩy quá trình phục hồi của đồng tiền này mà còn khiến nước này mất nguồn thu ngoại tệ vô cùng quan trọng vào thời điểm lệnh trừng phạt hạn chế hàng loạt quyền tiếp cận của Ngân hàng Trung ương Nga đối với nguồn dự trữ ngoại hối. Reuters cho biết, tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của nước này sẽ rơi vào tình trạng không có ngoại tệ mạnh để thanh toán những khoản nợ nước ngoài hay tự mua trang thiết bị phục vụ quá trính sản xuất khí đốt. Trong hơn một tháng qua, tập đoàn này đã bán 80% ngoại tệ họ dự trữ cho Ngân hàng Trung ương Nga. Trong khi đó, đài CNBC dẫn nhận định của các nhà phân tích của Công ty Tư vấn Evercore ISI (Mỹ) cho rằng, ngay cả khi Nga có thể buộc Liên minh châu Âu (EU) trả tiền khí đốt bằng đồng ruble, các nước thành viên có thể đáp trả bằng cách áp đặt thêm thuế lên dầu nhập khẩu từ Nga hoặc cấm mặt hàng này.
Xoay xở ứng phó
Hãng tin AFP dẫn lời Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans cho biết, EC sẽ phối hợp các nước EU để ứng phó với các tình huống thiếu hụt khí đốt. Các nước EU được yêu cầu có kế hoạch về cách đối phó với tác động của sự gián đoạn nguồn cung ở ba cấp độ khủng hoảng (gồm cảnh báo sớm, cảnh báo và tình trạng khẩn cấp). Kế hoạch của mỗi nước cần xác định trách nhiệm với những người tiêu thụ khí đốt công nghiệp ở mỗi cấp độ khủng hoảng, đưa ra các hành động để cung cấp khí đốt trong trường hợp khẩn cấp và kế hoạch hợp tác giữa các quốc gia.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, nước này đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba giai đoạn trong trường hợp gián đoạn nguồn cung từ Nga. Trong giai đoạn đầu, Bộ Kinh tế Đức sẽ thành lập một cơ quan phụ trách vấn đề khủng hoảng năng lượng. Đức đã đặt mục tiêu tỷ lệ lấp đầy 90% các kho dự trữ là trước tháng 11 để “ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn”. Chính phủ liên bang Đức sẽ thảo luận “gói phục sinh” vào tuần tới, bao gồm nhiều thay đổi về luật pháp để mở rộng nguồn năng lượng tái tạo, qua đó hướng tới sự độc lập và an ninh năng lượng cho Đức. Điều này bao gồm việc sửa đổi sâu rộng đối với đạo luật về các nguồn năng lượng tái tạo tạo động lực để người dân mở rộng nguồn điện tái tạo từ chính hệ thống năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà hay trang trại điện gió.
Trong khi đó, theo BBC, Áo - quốc gia nhập khẩu khoảng 80% khí đốt từ Nga - đã kích hoạt bước đầu tiên của kế hoạch cung ứng khí đốt khẩn cấp, đồng thời thắt chặt giám sát thị trường khí đốt. Văn phòng Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết, các biện pháp như chia định mức khí đốt sẽ chỉ có hiệu lực khi kích hoạt giai đoạn thứ ba của kế hoạch, đồng nghĩa với việc đòi hỏi một “cuộc khủng hoảng ngay lập tức”. Hà Lan cũng cho biết sẽ đề nghị người dân và các doanh nghiệp sử dụng ít khí đốt hơn và chưa cần kích hoạt kế hoạch xử lý khủng hoảng khí đốt.
THƯ LÊ - KHANG NINH