Phần Lan và Thụy Điển đang cân nhắc khả năng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) và người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson gặp gỡ tại thủ đô Helsinki ngày 5-3-2022. Ảnh: AP |
Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, nước này sẽ đưa ra quyết định về việc gia nhập NATO trong một vài tuần tới. “Hiện có những quan điểm khác nhau trong việc trở thành thành viên NATO và chúng tôi phải phân tích cẩn thận. Chúng tôi sẽ thảo luận tại Quốc hội, nhưng quy trình sẽ nhanh, có thể diễn ra trong một vài tuần tới”, Thủ tướng Marin nói. Theo bà Marin, sự khác nhau giữa một đối tác với một thành viên là rất rõ, bởi nếu là thành viên thì sẽ được bảo đảm an ninh dưới sự răn đe của NATO và hưởng cơ chế phòng thủ chung.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho rằng, việc gia nhập NATO sẽ có những ưu điểm và hạn chế, nhưng lợi ích rõ ràng nhất là được hưởng khả năng phòng thủ chung.
Phần Lan và Thụy Điển là những đối tác thân thiết của NATO, nhưng không phải là thành viên của tổ chức được thành lập vào năm 1949 này. Vốn giữ quan điểm trung lập, Thụy Điển và Phần Lan giờ đây có suy nghĩ khác kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Marin và người đồng cấp Andersson tại Stockholm ngày 13-4 nhằm thảo luận các vấn đề an ninh khu vực minh chứng việc hai nước đang đánh giá lại quan điểm trung lập truyền thống kéo dài suốt Chiến tranh Lạnh.
Thụy Điển vốn không có chiến tranh trong hơn 200 năm qua. Có thông tin cho rằng, quốc gia Bắc Âu này có thể sẽ tìm cách tham gia NATO trong tháng 6.
Còn Phần Lan có đường biên giới chung dài 1.300km với Nga về phía đông. Các nhà quan sát cho rằng khả năng Helsinki sẽ thúc đẩy việc gia nhập NATO sớm hơn. Thời gian gần đây, Thủ tướng Sanna Marin và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã đến thăm một số nước thành viên NATO để bảo đảm sự ủng hộ nếu Phần Lan xúc tiến việc tham gia khối. Thăm dò dư luận ở Phần Lan do đài MTV thực hiện cũng cho thấy 68% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ gia nhập NATO, so với chỉ 12% nói “không”.
Song, trong Sách Trắng cập nhật chính sách đối ngoại và an ninh được công bố ngày 13-4, chính phủ Phần Lan không đưa ra đề xuất liên quan việc gia nhập NATO, mà chỉ nêu rõ việc trở thành thành viên NATO sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng của nước này thêm từ 1-1,5%.
Điều 10 Hiệp ước NATO quy định rõ điều kiện và cách thức các quốc gia có thể gia nhập. Theo đó, các nước thành viên tiềm năng phải nằm ở châu Âu và cần nhận được sự chấp thuận của toàn bộ thành viên trong khối. Sau khi nộp đơn xin gia nhập, mỗi nước sẽ có kế hoạch hành động riêng nhằm đáp ứng các điều kiện về quân sự, chính trị, kinh tế và pháp lý theo chuẩn NATO.
Nga nhiều lần cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển không nên gia nhập NATO, bởi với việc bổ sung hai nước này, sức mạnh của khối hiệp ước quân sự sẽ gia tăng đáng kể ở sườn đông bắc.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, nếu Phần Lan và Thuỵ Điển trở thành thành viên NATO, Nga sẽ phải “tái cân bằng tình hình” bằng các biện pháp của riêng mình. Theo Reuters, ngày 14-4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trong khu vực, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân, nếu Helsinki và Stockholm gia nhập khối quân sự hiện có 30 thành viên.
PHÚC NGUYÊN