Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố các kịch bản về diễn biến Covid-19 trong năm 2022, trong đó khả năng cao nhất là SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh sẽ tiếp tục tiến hóa, song mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ giảm dần theo thời gian. Những dự đoán mới nhất lần này tiếp tục thắp hy vọng về khả năng thoái trào của dịch bệnh, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm mũi tăng cường thứ hai vắc-xin ngừa Covid-19 tại Nhà Trắng ngày 30-3. Ảnh: AP |
Cần sớm kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vắc-xin và lây nhiễm”. Ông Ghebreyesus cũng cảnh báo, những đợt gia tăng số ca mắc và tử vong sẽ xảy ra theo giai đoạn khi miễn dịch suy giảm. Các nước có thể cần tiêm bổ sung cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, hai kịch bản còn lại là các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, và khi đó các mũi vắc xin tăng cường hoặc công thức vắc-xin mới có thể sẽ không cần thiết (trường hợp khả quan nhất); hoặc một biến chủng mới sẽ xuất hiện và sẽ khiến khả năng chống lây nhiễm của vắc-xin giảm xuống nhanh chóng (trường hợp xấu nhất). Được biết, đây là bản cập nhật thứ ba của kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược được WHO công bố và có thể sẽ là bản cập nhật cuối cùng.
Phát biểu trong buổi họp báo trực tuyến của WHO, ông Ghebreyesus cho biết, để kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch, các quốc gia nên đầu tư vào 5 yếu tố cốt lõi. Đầu tiên là giám sát, xét nghiệm và báo cáo tình trạng sức khỏe cộng đồng. Thứ hai là tiêm chủng và thực hiện các biện pháp phòng dịch ở cấp độ xã hội. Tiếp theo, giới chức cần phục hồi nhanh chóng hệ thống y tế, chăm sóc, điều trị lâm sàng cho người mắc Covid-19. Thứ tư, giới khoa học cần nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công bằng với các nguồn lực y tế.
Cuối cùng, mỗi quốc gia nên phối hợp, điều chỉnh phản ứng từ chế độ khẩn cấp sang xử lý Covid-19 như một mầm bệnh hô hấp lâu dài. Ông Ghebreyesus cũng khẳng định, tiêm chủng vẫn là “công cụ mạnh mẽ nhất” để bảo vệ cộng đồng. Theo đó, các nước nên tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số, nhằm đưa thế giới trở về cuộc sống bình thường.
Tiếp tục dỡ bỏ biện pháp phòng dịch
Theo hãng tin Reuters, Mỹ đang chứng kiến mức giảm liên tục về số ca mắc trong những ngày qua với chỉ còn 36.000 ca mỗi ngày và số người nhập viện cũng giảm 75%. Trước những tín hiệu lạc quan này, hàng loạt bang đóng cửa các điểm xét nghiệm, tiêm chủng miễn phí nhằm tiết kiệm chi phí.
Hãng tin CNN cho biết, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa dỡ bỏ khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên các du thuyền; song vẫn khuyến nghị du khách nên tiêm vắc-xin trước mỗi chuyến hành trình. CDC Mỹ thông báo, biến thể phụ BA.2 của Omicron, còn gọi là “Omicron tàng hình”, đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này do có khả năng lây nhiễm nhanh.
Theo AP, ngày 30-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiêm mũi tăng cường thứ hai vắc-xin ngừa Covid-19, một ngày sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm mũi tăng cường thứ hai với nhóm tuổi của ông. Người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi thúc đẩy quỹ ứng phó với làn sóng trỗi dậy tiếp theo của dịch bệnh trước khi “quá muộn”. Song, theo cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, không có khả năng nước này phải chứng kiến làn sóng dịch bệnh mới gia tăng trở lại.
Nguồn tin của chính phủ Anh dẫn thông báo của Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc xã hội Sajid Javid cho biết, nước này chủ trương áp dụng “các biện pháp ít nghiêm ngặt nhất có thể” trong bối cảnh vắc-xin vẫn cho thấy hiệu quả chống lại biến thể phụ này (BA.2). Ông Javid nói: “Chúng tôi thấy không có lý do cụ thể nào để lo ngại vào thời điểm này”. Từ ngày 1-4, bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được khuyến cáo ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác trong 5 ngày - khoảng thời gian dễ lây bệnh nhất. Trong một động thái tương tự, Thụy Sĩ và Bulgaria cũng dỡ bỏ những biện pháp phòng dịch từ ngày 1-4, trong bối cảnh các nước này đang tìm cách sống chung với dịch bệnh.
Trong khi đó, ngày 1-4, chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) dỡ bỏ lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng tại các vùng ở phía đông và phía nam sông Hoàng Phố, trong đó có quận Phố Đông và các vùng phụ cận. Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chính sách “Zero-Covid năng động” nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân. Theo đó, nước này không hướng tới việc quét sạch hoàn toàn các ca nhiễm khỏi cộng đồng, mà khi phát hiện dịch ở đâu thì nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây truyền ở đó trong thời gian ngắn nhất.
Trong bối cảnh nhiều nước tự tin dỡ bỏ dần các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giới chuyên gia vẫn cảnh báo các nước nên mở cửa thận trọng khi “Omicron tàng hình” đang làm gia tăng ca mắc mới từ châu Á đến châu Âu hay Mỹ.
THƯ LÊ - KHANG NINH