Bắc Kinh nỗ lực kiểm soát Covid-19

.

Ngày 4-5, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc tạm dừng một loạt tuyến tàu điện ngầm và xe buýt, đồng thời mở rộng phạm vi hạn chế tiếp cận ở một số điểm công cộng để ngăn chặn Covid-19 quyết liệt hơn.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh ngày 5-5. Ảnh: AP
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh ngày 5-5. Ảnh: AP

Bắc Kinh đang nỗ lực để không phải áp dụng lệnh phong tỏa thành phố như những gì Thượng Hải - trung tâm thương mại sầm uất nhất của Trung Quốc - đang làm. Hàng triệu người dân Thượng Hải đã trải qua đợt phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt hơn một tháng nay. Không những thế, thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) cũng đã dừng tất cả hoạt động tụ tập theo nhóm và yêu cầu người dân các khu vực trung tâm không ra khỏi nhà sau khi ghi nhận 9 ca nhiễm có triệu chứng và 24 ca không có triệu chứng trong ngày 3-5.

Tăng tốc xét nghiệm, cách ly F0

Theo Reuters, với hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày, chính quyền Bắc Kinh hy vọng các đợt xét nghiệm đại trà thần tốc sẽ nhanh chóng phát hiện và cách ly ca bệnh trước khi virus có cơ hội lây lan. 12/16 quận tại Bắc Kinh đã hoàn tất đợt xét nghiệm thứ hai trong tổng số 3 đợt nhằm khống chế dịch nhanh nhất.
Ngày 4-5, thủ đô Bắc Kinh với khoảng 22 triệu dân thông báo tạm dừng hoạt động hơn 60 ga tàu điện ngầm (chiếm 15% số ga) và 158 tuyến xe buýt, hầu hết thuộc quận Triều Dương. Ngoài ra, trường học, nhà hàng, phòng gym, các trung tâm giải trí cùng một số tòa nhà văn phòng và chung cư sẽ tiếp tục đóng cửa hoặc phong tỏa sau đợt nghỉ lễ kéo dài từ ngày 30-4 đến 4-5. Ngày 5-5, cư dân thủ đô được khuyến khích làm việc tại nhà thay vì trở lại công sở.

Cũng trong ngày 4-5, Trung Quốc đại lục ghi nhận 5.489 ca nhiễm mới, trong đó 353 ca có triệu chứng. Hầu hết các ca nhiễm mới ở Thượng Hải (4.982 ca). Riêng Bắc Kinh mới ghi nhận 46 ca nhiễm có triệu chứng và 5 ca không triệu chứng.

Ảnh hưởng lớn tới kinh tế

Dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc tiếp tục gây tác động rất lớn đến kinh tế thế giới do vai trò vô cùng quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều tập đoàn đa quốc gia có văn phòng đặt tại những khu vực bị ảnh hưởng dịch ở Trung Quốc những ngày qua như ngồi trên lửa. Chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn chưa có ý định thay đổi chiến lược “zero Covid”.

Cuối ngày 3-5, Công ty Foxconn, đối tác sản xuất điện thoại iPhone cho Apple tại thành phố Trịnh Châu, thông báo kế hoạch làm việc từ xa và áp dụng các quy định hạn chế phòng dịch kể từ tuần tới. Riêng Thượng Hải vẫn duy trì lệnh phong tỏa hoàn toàn sau hơn một tháng áp dụng.

Mức sản xuất cũng như tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc giảm mạnh, doanh thu của các thương hiệu quốc tế như Apple, Gucci… lao dốc. Trang Capital Economics ước tính Covid-19 đã lan tới các khu vực vốn tạo ra khoảng 40% tổng lượng sản xuất và 80% tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc. Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings giảm dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống còn 4,3% (thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 5,5% do Trung Quốc công bố).

Nhiều nhà máy phải đóng cửa sau khi Thượng Hải áp dụng lệnh phong tỏa từ tháng 3. Mặc dù một số doanh nghiệp được phép mở lại, nhưng tình hình còn nhiều khó khăn như chưa có đủ lao động trở lại làm việc và chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Tại khu thương mại tự do Lingang ở Thượng Hải, đến ngày 3-5, theo Tân Hoa Xã, chỉ 252 nhà máy (chiếm 52%) nối lại sản xuất. Báo South China Morning Post cho hay, chính quyền Thượng Hải sẽ tiếp tục cho phép thêm các doanh nghiệp hoạt động lại nếu họ tuân thủ các quy định chống dịch.

Trong khi đó, hoạt động mậu dịch quốc tế đang gián đoạn nghiêm trọng. Nghiên cứu của Ngân hàng Hoàng gia Canada (Royal Bank of Canada - RBC) cho biết, khoảng 1/5 số tàu container chở hàng toàn cầu đang bị kẹt lại tại các cảng biển. Riêng tại cảng Thượng Hải, 344 tàu container đang neo đợi, tăng 34% so với tháng trước. Cũng theo nghiên cứu này, thời gian vận chuyển đường biển hàng hóa từ một nhà kho ở Trung Quốc tới một trong các điểm đến ở Mỹ lâu hơn bình thường tới… 74 ngày.

Trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 tái bùng phát, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã mở lại bệnh viện Xiaotangshan Fangcai với ít nhất 1.200 giường bệnh và các phương tiện xét nghiệm. Bệnh viện này được đưa vào hoạt động lần đầu năm 2003 khi bùng dịch SARS, sau đó sử dụng lại vào đầu năm 2020 để điều trị bệnh nhân Covid-19.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.