Phong trào Tự do của Robert Golub, vận động tranh cử trên nền tảng năng lượng xanh, tự do truyền thông và pháp quyền, đã đánh bại đảng Dân chủ Slovenia theo chủ nghĩa dân túy của Thủ tướng Janez Janša.
Thủ tướng Slovenia sắp mãn nhiệm Janez Jansa. Ảnh: AFP |
Cuối tuần qua, thế giới vẫn tập trung nhiều vào các sự kiện ở Ukraine và cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, nhưng một cơn địa chấn chính trị ở Slovenia hầu như không được chú ý.
Vào ngày 24-4, cùng ngày mà cử tri Pháp đi bỏ phiếu để bầu ông Emmanuel Macron trở lại Điện Élysée với nhiệm kỳ thứ hai, người dân Slovenia đã bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử Quốc hội mà đảng Dân chủ Slovenia của Thủ tướng đương nhiệm Janez Jansa được cho là sẽ giành thắng lợi.
Trái ngược với kỳ vọng, một lượng lớn cử tri Slovenia đã chuyển sang ủng hộ đảng chính trị mới, Phong trào Tự do (GS) của Robert Golob theo chủ nghĩa tự do, chỉ mới được ra mắt vào tháng 1-2022.
Robert Golob, với chiến dịch tranh cử trên cơ sở chuyển đổi sang năng lượng xanh, một xã hội cởi mở và tôn trọng pháp quyền, đã giành được 34,5% phiếu bầu so với 23,5% đối thủ cạnh tranh Janša thuộc đảng Dân chủ, mặc dù GS, dự kiến sẽ chiếm 41 ghế trong Quốc hội 90 ghế, khó có thể thành lập chính phủ nếu không liên kết với các đảng nhỏ hơn của Slovenia để nhận sự hỗ trợ.
Đảng Dân chủ Xã hội và đảng Cánh tả là những đối tác liên minh tiềm năng của Golub.
“Mọi người thực sự muốn thay đổi”, ông Golob, vốn là một doanh nhân có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị, cho biết sau khi tuyên bố chiến thắng.
Phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Janša nói: “Nhiều thách thức đang ở phía trước đối với chính phủ mới, dù thế nào, nền tảng đã được tạo ra là rất vững chắc”.
Đối với Thủ tướng Janša (nhậm chức vào năm 2018), kết quả này gần như chắc chắn kết thúc sự nghiệp chính trị đầy biến động và thường gây tranh cãi của ông.
Ông Janša năm ngoái đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm để đề nghị luận tội do bốn đảng đối lập đệ trình, cáo buộc ông kiểm soát đại dịch COVID-19 không hiệu quả, không đặt mua đủ vaccine và đàn áp các phương tiện truyền thông, đáng chú ý nhất là hãng thông tấn nhà nước STA.
Tháng 2-2021, Văn phòng phụ trách truyền thông của Chính phủ Slovenia đã đình chỉ các khoản thanh toán cho STA, mà nhiều người trong nước coi là một cuộc tấn công vào tính độc lập của hãng thông tấn này.
Trong báo cáo mới nhất về tự do dân chủ, Freedom House, một tổ chức thực hiện nghiên cứu và vận động về dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền, cho biết mặc dù các quyền chính trị và tự do dân sự thường được tôn trọng ở Slovenia, nhưng Chính phủ của ông Janša đã tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhà nước pháp quyền và các thể chế dân chủ, bao gồm cả phương tiện truyền thông và cơ quan tư pháp, cùng vấn đề tham nhũng trong suốt năm 2021. Thất bại của ông Janša cũng có thể khiến Thủ tướng Hungary Viktor Orbán ngày càng bị cô lập trong Liên minh châu Âu. Cả hai nhà lãnh đạo này được cho là có mối quan hệ gần gũi và chia sẻ nhiều quan điểm chung về các vấn đề của châu Âu.
Tuy nhiên, không giống như Thủ tướng Orbán, người đã kiềm chế đưa ra quan điểm cứng rắn liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukriane, ông Janša đã có một cách tiếp cận mạnh mẽ đối với Kiev, trở thành một trong những nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên thăm Kiev ngay sau khi xung đột bùng phát vào ngày 24-2 vừa qua.
Ngoài việc để thể hiện tình đoàn kết và thậm chí sớm ủng hộ việc áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine bất chấp nguy cơ động thái như vậy bị Chính quyền Biden phản đối vì cho rằng nó sẽ biến NATO thành một bên hiếu chiến trong cuộc xung đột Ukraine-Nga.
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Jansa cũng là nhân vật gây chia rẽ sâu sắc trong khu vực. Mùa Hè năm ngoái, ông Jansa đã tiết lộ một tài liệu (dù ông không xác nhận, nhưng cũng không phủ nhận) đề xuất vẽ lại biên giới ở Tây Balkan, làm dấy lên lo ngại về các cuộc giao tranh mới và thanh lọc sắc tộc.
Theo Báo Tin tức