Đi tìm "Tương lai châu Âu"

.

Phát biểu tại hội nghị “Tương lai châu Âu” kết thúc hôm 9-5 ở Strasbourg (Pháp) với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định các cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây đã thay đổi châu Âu và cũng là nhân tố để thúc đẩy tiến trình cải cách.

Trong báo cáo tổng kết các kết luận của hội nghị “Tương lai châu Âu” có 49 đề xuất bao gồm các mục tiêu cụ thể và hơn 320 biện pháp cho các tổ chức EU về 9 chủ đề: biến đổi khí hậu và môi trường; sức khỏe; tạo sức mạnh kinh tế, công bằng xã hội và việc làm; EU trên thế giới; giá trị và quyền, pháp quyền, an ninh; chuyển đổi kỹ thuật số; nền dân chủ châu Âu; di cư; giáo dục, văn hóa, thanh niên và thể thao…

Các nghị sĩ EU thừa nhận những đề xuất nói trên đòi hỏi phải thay đổi Hiệp ước và yêu cầu Ủy ban các vấn đề hiến pháp chuẩn bị các đề xuất cải cách các Hiệp ước của EU - một thủ tục sẽ diễn ra trong khuôn khổ của một công ước, phù hợp với Điều 48 của Hiệp ước EU.

Năm 2019, Tổng thống Macron đặt vấn đề với Thủ tướng Đức lúc bấy giờ là bà Angela Merkel về việc sớm cải tổ EU. Vì thế, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử, ông Macron đến Đức với mong muốn xây dựng mối quan hệ cá nhân mật thiết hơn với Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz, đồng thời tìm kiếm sự thống nhất quan điểm trong một số vấn đề then chốt để phối hợp thúc đẩy các chương trình nghị sự và cải cách của EU.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Pháp và Đức - hai thành viên chủ chốt của EU - muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cải cách liên minh này để tạo ra một diện mạo mới ở “lục địa già”. Trong đó, việc tiếp nhận Ukraine làm thành viên mới đang gặp vướng mắc vì quá trình này có thể “mất vài năm, thậm chí vài thập niên”, theo lời của Tổng thống Macron.

Để hóa giải vấn đề này, Tổng thống Macron đề xuất sớm hình thành “cộng đồng chính trị châu Âu” có thể tập hợp các quốc gia gần nhau về mặt địa lý và những thách thức địa chính trị hoặc kinh tế chung. Như vậy, cộng đồng này sẽ tập hợp các nước chia sẻ những giá trị của EU mà không phải là thành viên của khối này và việc gia nhập EU không nhất thiết được bảo đảm hay bắt buộc.

Ý tưởng của ông Macron nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cựu Thủ tướng Ý Enrico Letta. Tóm lại, các nước lớn ở Tây Âu ủng hộ ý đề xuất này. Tuy nhiên, 13 quốc gia Trung và Đông Âu, các nước Baltic và Scandinavia không chấp nhận bất kỳ cải cách lớn nào theo kiểu như thế. Bởi lẽ, điều đó dường như đồng nghĩa với việc phải mở lại các cuộc đàm phán về các hiệp ước châu Âu và đối với họ, đây không phải là thời điểm thích hợp.

Ở một phương diện khác, ông Scholz và ông Macron dự kiến thành lập “liên minh chính phủ hành động xanh” được xem là sự bảo đảm chắc chắn cho tiến trình hội nhập năng lượng và cụ thể hóa lộ trình “Fit for 55” với mục tiêu giảm 55% khí phát thải đến năm 2030 đã được châu Âu thông qua.

Thế nhưng, theo ông Robinet-Borgomano, chuyên gia nghiên cứu của Viện Montaigne, không phải mọi chuyện đều thuận lợi với Tổng thống Macron bởi Đức đang đứng trước những thách thức lớn do nền kinh tế đầu tàu châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga cũng như vào thị trường hàng hóa của Trung Quốc.

Mặc dù Thủ tướng Scholz đã nhanh chóng quyết định hủy bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga, nhưng ông vẫn chưa cho thấy sẽ dứt khoát đoạn tuyệt với nguồn khí đốt của Moscow. Điều này khiến EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chia rẽ, bất đồng về việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Có thể nói, đi tìm “Tương lai châu Âu” đối với các thành viên EU nói chung, Pháp và Đức nói riêng, trong bối cảnh hiện nay không phải là bài toán dễ dàng, nhất là hàng loạt biến cố xảy ra đan xen những tác động lẫn nhau như: đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương…

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.