Khủng hoảng an ninh lương thực: Thế giới cần hành động

.

Hàng loạt diễn đàn toàn cầu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an LHQ và cả Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra trong tuần qua đã phát đi một thông điệp chung: Cần giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.

Cánh đồng lúa mì ở vùng Stavropol của Nga - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters
Cánh đồng lúa mì ở vùng Stavropol của Nga - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters

Các diễn đàn đã đề cập những thách thức từ đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị dẫn đến những tác động cộng hưởng chưa từng có đối với nguồn cung, giá cả và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Đáng chú ý, chỉ gần một tuần từ ngày 18 đến 23-5, LHQ đã tổ chức 3 cuộc họp về an ninh lương thực toàn cầu, trong lúc có báo cáo từ Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho hay, 400 triệu người trên thế giới đang đối mặt với nạn đói, hơn 800 triệu người đi ngủ mỗi đêm với cái bụng đói và nạn đói đe dọa 43 quốc gia. Điều đó cho thấy chưa bao giờ việc bảo đảm an ninh lương thực lại trở nên cấp bách như hiện nay.

Giờ đây, LHQ và phương Tây đang thúc đẩy đối thoại với Nga để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng lương thực. Song, phương Tây và Nga đổ lỗi lẫn nhau. Phương Tây cáo buộc Nga là tác nhân gây khủng hoảng lương thực, còn Moscow cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này đã làm đứt gãy chuỗi cung lương thực trên toàn cầu.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 24-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen chỉ trích Nga phá hủy các kho silo chứa ngũ cốc, chiếm giữ các kho ngũ cốc ở Ukraine, phong tỏa xuất khẩu bằng đường biển đối với lúa mì, dầu hướng dương và một số mặt hàng nông sản khác của Ukraine.

Nga và Ukraine sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì, 17% sản lượng ngô, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương… Ukraine đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển 22 triệu tấn lúa mì do thiếu đường vận chuyển trên đất liền. Phía Ukraine nói rằng, trong lúc Kiev phải xoay xở vận chuyển 22 triệu tấn lúa mì tồn trong kho thì các cảng biển của nước này bị Nga phong tỏa.

Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định tình trạng thiếu lương thực trên thế giới không phải do lỗi của Nga, nhưng Moscow sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mang động cơ chính trị.

Giám đốc WFP David Beasley nói rằng, ngay trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, ông đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới. “Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai”, ông Beasley nhấn mạnh.

Điều cần làm hiện nay là thế giới phải cùng hành động khi chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số nước có thể càng đẩy giá lương thực leo thang. Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) quyết định thành lập liên minh an ninh lương thực toàn cầu nhằm hỗ trợ chống lại cuộc khủng hoảng lương thực. Theo đó, các nước G7 sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển thay đổi cấu trúc một cách bền vững trong tương lai nhằm có khả năng tự cung tự cấp lương thực tốt hơn, thay vì phụ thuộc vào thị trường thế giới. Liên minh này cũng sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào để tìm các giải pháp phù hợp nhằm ứng phó nhanh chóng, hiệu quả và bền vững đối với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.

Indonesia, nước cung cấp 60% dầu cọ của thế giới, đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tạm thời. Liên minh châu Âu (EU) cũng đề nghị hỗ trợ Ukraine vận chuyển ngũ cốc của nước này qua các tuyến đường sắt và đường bộ đến những cảng ở Romania hoặc biển Baltic.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang kêu gọi dỡ bỏ phong tỏa các cảng biển của Ukraine nhằm giảm giá lương thực và vận chuyển lương thực sớm nhất có thể đến những khu vực đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.