Nga kỷ niệm 77 năm ngày Chiến thắng phát-xít

.

Phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm 77 năm Chiến thắng phát xít (1945-2022) diễn ra trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow ngày 9-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định bước can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine là cần thiết.

Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu được phát trên màn hình lớn ở Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty Images
Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu được phát trên màn hình lớn ở Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty Images

Lễ kỷ niệm 77 năm Chiến thắng phát xít diễn ra ở nhiều thành phố trên khắp nước Nga, tâm điểm là cuộc duyệt binh lớn trên Quảng trường Đỏ với sự trình diễn nhiều khí tài quân sự hiện đại và bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ lập trường của nước này đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

11.000 quân nhân tham gia lễ duyệt binh

Hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ cơ quan quân sự Nga cho biết, hơn 11.000 quân nhân tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ, cùng 131 phương tiện chiến đấu của các lực lượng tăng-thiết giáp, pháo binh, đặc nhiệm, tên lửa chiến dịch, tên lửa đạn đạo chiến lược. Ngoài ra còn có sự hiện diện của 77 máy bay phản lực và trực thăng của Không quân Vũ trụ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cùng Tư lệnh Lục quân Nga Oleg Salyukov duyệt đội danh dự.

Mở đầu lễ duyệt binh là lễ rước cờ Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quốc kỳ Liên bang Nga. Dẫn đầu phần diễu hành của đội hình phương tiện cơ giới là xe tăng T-34-85, vốn đã trở thành biểu tượng của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Theo sau là đội hình 10 xe chiến đấu bọc thép đa năng dòng Typhoon-K, Typhoon-VDV; đội hình xe chiến đấu bộ binh; đội hình 10 chiếc xe tăng T-72B3M đại diện cho lực lượng chiến đấu chủ lực hiện tại của binh chủng tăng-thiết giáp.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, toàn thể nước Nga có nghĩa vụ ghi nhớ ký ức “về những người đã đánh bại chủ nghĩa Quốc xã, những người đã chỉ thị cho chúng ta duy trì cảnh giác, thực hiện mọi nỗ lực để ngăn ngừa tái diễn một cuộc đại chiến thế giới”.

Theo ông Putin, ngày 9-5-1945 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử như ngày kỷ niệm chiến thắng của nhân dân Xô viết thống nhất, tình đoàn kết, sức mạnh tinh thần của họ và chủ nghĩa anh hùng chưa từng thấy ở cả mặt trận và hậu phương. Nhà lãnh đạo Nga gọi đây là “Ngày Chiến thắng gần gũi thân thương”. “Không có gia đình riêng lẻ nào tại Nga không bị ảnh hưởng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”, ông Putin nói.

“NATO không chịu lắng nghe Nga”

Đáng chú ý, Tổng thống Putin đề cập việc Nga đang đối mặt với các thách thức từ phía Ukraine và đồng minh, tương tự Liên Xô đối mặt với mối đe dọa xâm lược từ nước Đức Quốc xã của Adolf Hitler và khối phát xít vào năm 1941. Ông chủ Điện Kremlin tái khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là cần thiết, đồng thời lý giải rằng Moscow phải hành động như vậy là do đối phương đã lên kế hoạch tấn công quy mô lớn vào các nước cộng hòa tự xưng (thân Nga) ở miền Đông Ukraine. “Nga đã tung một đòn ngăn ngừa phủ đầu nhằm vào thế lực xâm lược. Đây là một quyết định bắt buộc, kịp thời và duy nhất đúng đắn của một nước có chủ quyền, mạnh mẽ và độc lập”, ông Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Putin nhắc lại những nỗ lực của Nga kêu gọi đối thoại về các cam kết an ninh với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi cuối năm ngoái, nhưng không thành. Ông cho rằng, NATO không chịu lắng nghe Nga và chuẩn bị công khai cho việc “xâm lược các vùng đất lịch sử của Nga, bao gồm Crimea”.

Hơn 2 tháng diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Các cuộc giao tranh hiện tập trung ở vùng Donbass và các khu vực ở miền nam Ukraine.

Hãng thông tấn Interfax dẫn thông báo của Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky ngày 9-5 cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine vẫn chưa dừng lại và đang được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Moscow đang chờ thêm “thông tin chi tiết” cần thiết để có thể nối lại hòa đàm trực tiếp. Dù chưa thể đi tới bất kỳ giải pháp ngoại giao nào nhằm chấm dứt xung đột, nhưng hai bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc thiết lập một hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi thành phố điểm nóng Mariupol hay các cuộc trao đổi tù nhân trước đó.

PHÚC NGUYÊN - THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.