Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga- Ukraine đã tác động nghiêm trọng đến Đức - nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU).
Bộ Kinh tế Đức cho biết, các đơn đặt hàng mới trong tháng 4 đã giảm 2,7% so với tháng trước đó. Nhìn chung, các đơn đặt hàng giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 đang đè nặng lên ngành công nghiệp. Mức giảm đặc biệt trong tháng 4 là tư liệu sản xuất, giảm 4,3% so với tháng trước đó. Các đơn đặt hàng tiêu dùng giảm 2,6%, trong khi đơn đặt hàng hóa trung gian giảm 0,3%.
Do cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nhà sản xuất ô-tô Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz đang gặp không ít thách thức do tình trạng thiếu phụ tùng ô-tô từ các nhà máy sản xuất tại Ukraine, xuất khẩu sang Nga cũng phải tạm ngưng.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo cho thấy, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ của Đức cũng đang chìm trong môi trường kinh doanh ảm đạm, phần lớn do tác động tiêu cực từ tình hình địa chính trị tại Ukraine.
Theo các chuyên gia thống kê Đức, tháng 5-2022, giá năng lượng tăng 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực tăng với tốc độ trung bình 11,1%.
Trong khi đó, thông báo của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế nước này tiếp tục tăng lên mức cao mới. Theo tính toán sơ bộ của Destatis, trong tháng 5, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng 4 trước đó, tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 tiếp tục tăng 0,9%.
Như vậy, tỷ lệ lạm phát ở Đức duy trì trên mốc 7% trong tháng thứ 3 liên tiếp (tháng 3 là 7,3%; tháng 4 là 7,4 và tháng 5 là 7,9%). Đây là mức tăng cao nhất trong hơn 3 thập niên qua. Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao ở Đức (cũng như toàn bộ khu vực đồng euro) là do giá năng lượng và lương thực tăng mạnh. Tỷ lệ lạm phát cao tạo ra gánh nặng cho người dân và các doanh nghiệp Đức, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm.
Trước đó, ngày 27-4, Chính phủ Đức giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 xuống còn 2,2%. Chính phủ nước này cũng tung ra 2 gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro để giảm bớt gánh nặng cho người dân.
Trong các dự báo gần đây nhất, các nhà kinh tế không thể đưa ra một viễn cảnh rõ ràng, song nhìn chung vẫn nhận định rằng, trong năm 2022, tỷ lệ lạm phát trung bình trên 6% ở nền kinh tế Đức. Đây cũng sẽ là mức lạm phát cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990.
Bộ Tài chính Đức coi việc chống lạm phát cao là ưu tiên hàng đầu trong chính sách tài khóa, với mục tiêu phá vỡ vòng xoáy lạm phát hiện tại. Một trong những biện pháp được Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh là chấm dứt chính sách tài chính mở rộng đã thực hiện trong những năm qua. Ông Lindner cảnh báo lạm phát cao là “một rủi ro kinh tế to lớn”, và cần có các biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này.
Ở phương diện khác, một vấn đề đang đặt ra cho Đức là việc cùng các đồng minh thực hiện những biện pháp cấm vận về dầu và khí đốt đối với Nga đang là bài toán vô cùng khó khăn. Đức phụ thuộc trên 40% lượng khí đốt của Nga cho các hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Nếu tìm nguồn thay thế từ Mỹ và các nước Trung Đông sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều năm, tốn nhiều tiền và các cam kết mới với các đối tác.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habec, nước này có thể thành công trong việc thay thế nguồn cung khí đốt của Nga về ngắn hạn. Nhưng Berlin không muốn phải bỏ thêm 30-40 năm để xây dựng ngành công nghiệp khí đốt toàn cầu và nhận lại nguồn năng lượng mà nước này không mong đợi gắn với cam kết về môi trường. Khai thác nguồn khí đốt chỉ giúp giải quyết cơn khát nhiên liệu ngắn hạn. Về dài hạn, vẫn phải tính đến giải pháp nâng gấp 3-4 lần công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Có thể nói, Covid-19 và cuộc xung đột Nga- Ukraine tác động khá nghiêm trọng đối với nền kinh tế Đức. Nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài thì không chỉ Đức mà toàn bộ các nền kinh tế EU nói riêng và châu Âu nói chung sẽ đứng trước những thách thức khó đoán.
T.M