Giữa lúc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tại thành phố trọng yếu Sievierodonetsk ở miền đông Ukraine sắp vãn hồi, binh sĩ Ukraine đang rút khỏi nơi này sau khi phía Nga kiểm soát khoảng 70% khu vực, Mỹ thông báo sẽ gửi cho Kiev hệ thống tên lửa hiện đại cùng bom, đạn dẫn đường chính xác.
Đoàn xe tăng chở binh sĩ Ukraine di chuyển gần thành phố Sievierodonetsk thuộc tỉnh Luhansk, thuộc vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: New York Times |
Các vũ khí được Mỹ thông báo là một phần gói hỗ trợ 700 triệu USD của Washington cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Các hệ thống tên lửa được Washington gửi đi lần này có thể nhắm trúng mục tiêu từ khoảng cách 80km. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý cấp các loại vũ khí này sau khi Ukraine cam kết không bắn các tên lửa đó vào lãnh thổ Nga.
Viện trợ vũ khí có ràng buộc
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, tổng giá trị viện trợ quân sự của Washington cho Ukraine khoảng 4,6 tỷ USD. Gói viện trợ mới nhất này là một phần trong hơn 40 tỷ USD gói ngân sách mới hỗ trợ Ukraine đã được Quốc hội Mỹ thông qua gần đây.
Trong nhiều thông báo trước đó, chẳng hạn thông báo ngày 31-5 của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cũng nhấn mạnh các hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa mới của Mỹ gửi cho Ukraine có thể bắn tới lãnh thổ Nga, nhưng điều này là không được phép và chúng không được sử dụng bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Đây là lần đầu tiên Ukraine chấp nhận điều kiện ràng buộc về việc không được sử dụng một hệ thống vũ khí của bên viện trợ, theo bình luận của kênh NBC (Mỹ).
Một người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết, các tên lửa tầm xa này được xác định là hệ thống rocket cơ động cao HIMARS M142. Ngoài ra, Kiev cũng sẽ nhận được những vũ khí khác như: 5 radar chống pháo, 4 trực thăng và 15 phương tiện chiến thuật quân sự.
Cũng cần phải nói thêm, HIMARS M142 là vũ khí hiện đại nhất đến nay được viện trợ cho Ukraine. Mặc dù vậy, Washington chưa bao giờ muốn kích động một cuộc đối đầu trực diện với Nga. Đó là lý do mà trong bài viết trên New York Times ngày 31-5, Tổng thống Biden gửi một thông điệp bảo đảm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng, nước Mỹ không có ý định làm xung đột tại Ukraine lan rộng, cũng như không sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nhiều tuần qua, Ukraine đã hối thúc chính phủ của ông Biden viện trợ cho họ hệ thống vũ khí do Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng tại Washington cảnh báo những hệ thống phức tạp sẽ đòi hỏi nhiều tuần huấn luyện.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl nói rằng, Washington sẽ chuyển 4 hệ thống HIMARS M142 đã có ở châu Âu tới Ukraine để rút ngắn thời gian vận chuyển và dự kiến mất 3 tuần để huấn luyện sử dụng. Hãng tin của Nga đầy ngụ ý khi cho rằng, mặc dù ông Kahl nói phía Mỹ hy vọng Ukraine sẽ giữ đúng cam kết không sử dụng hệ thống HIMARS M142 để tấn công sang lãnh thổ Nga, nhưng ông lại không đề cập Kiev sẽ đối mặt với những hậu quả nào nếu vi phạm cam kết đó.
Đổ thêm dầu vào lửa?
Đức cũng tuyên bố sẽ trang bị cho Ukraine một số vũ khí hiện đại có khả năng bắn hạ máy bay và loại bỏ pháo tấn công của đối thủ. Theo AP, Berlin sẽ gửi cho Kiev các loại tên lửa chống máy bay và hệ thống radar.
Phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 1-6, Thủ tướng nước này, ông Olaf Scholz, nói rằng Berlin sẽ gửi cho Kiev các tên lửa đất đối không IRIS-T SLM, cũng là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất của Đức. Trong khi đó, các radar của Berlin hỗ trợ được cho là sẽ giúp phía Ukraine định vị được các pháo tấn công của đối thủ.
Trước các động thái mới nhất của Washington, Điện Kremlin cáo buộc Mỹ “cố tình đổ thêm dầu vào lửa”. Theo hãng tin TASS, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov từng cảnh báo việc phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ đặt ra nguy cơ trực tiếp với châu Âu cũng như an ninh toàn cầu. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: Các nhà tài trợ vũ khí cho Kiev hãy ngừng kích động đổ máu và cân nhắc nghiêm túc hậu quả từ những hành động của họ.
TRẦN ĐẮC LUÂN