Chip bán dẫn - Mặt trận mới trong cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất

.

Mỹ tiến hành trừng phạt “gã khổng lồ” Huawei nhằm chặn đứng sự phát triển của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc vốn đang có xu hướng thống trị vai trò số một của Mỹ. Cùng với mục tiêu này, các chính trị gia Mỹ kêu gọi Nhà Trắng tìm thêm cách hạn chế ngành sản xuất chip Trung Quốc đang liên tục tăng trưởng và có thể đe dọa doanh số của các nhà sản xuất Mỹ.

Mỹ hiện dẫn đầu về phần mềm và sở hữu trí tuệ trong thiết kế các loại chip công nghệ cao, trong khi châu Âu sở hữu nhiều loại chất đặc biệt để chế tạo chip. Tuy nhiên, khâu sản xuất những con chip phức tạp nhất lại ở châu Á. Theo số liệu của công ty nghiên cứu TrendForce, các hợp đồng sản xuất chip bán dẫn tại Đài Loan (Trung Quốc) chiếm hơn 60% tổng doanh thu toàn cầu của ngành này. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nhanh chóng vươn lên chiếm thị phần không hề nhỏ về sản xuất, nhất là tiêu thụ chip bán dẫn.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden quan tâm tới vấn đề chất bán dẫn. Kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá kỷ lục gần 2.000 tỷ USD của Nhà Trắng cũng giành một phần đề cập khoản đầu tư khổng lồ cho ngành sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. Tập đoàn Intel cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào 2 nhà máy sản xuất chất bán dẫn nhằm vực dậy vị thế của Mỹ. Tổng thống Biden lên kế hoạch đầu tư 52 tỷ USD vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn trong nước, một phần của dự luật cạnh tranh nhiều mặt với Trung Quốc đã được Đảng Dân chủ ở Hạ viện thông qua.

Cùng với Mỹ, Ủy viên thị trường nội bộ Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton công bố Đạo luật Chip châu Âu để bảo đảm an ninh nguồn cung, khả năng phục hồi và lãnh đạo về công nghệ của EU. Trước đó, các đại diện thương mại Mỹ và đối tác EU gặp nhau tại Pittsburgh (Mỹ) để định hình quy tắc và tiêu chuẩn xung quanh các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên lĩnh vực này.

Ngoài ra, Mỹ cũng gây áp lực lên Hà Lan để chặn công ty ASML Holding NV bán công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc. Theo nguồn tin khác, Nhật Bản cũng đang được Mỹ khuyến nghị cấm bán công nghệ sản xuất chip tương tự của Nikon cho Trung Quốc. Thiết bị được Mỹ đề cập là các công cụ in thạch bản cực tím (DUV), được sử dụng trong sản xuất hầu hết các chất bán dẫn. Việc ngăn cản các đồng minh bán DUV cho Trung Quốc có tác động đáng kể vào ngành công nghiệp bán dẫn của nước này. Dù động thái này sẽ không ngăn được Trung Quốc sản xuất các sản phẩm bán dẫn hiện nay nhưng sẽ gây khó cho việc mở rộng sản xuất trong giai đoạn tới.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI), doanh số bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn (SPE) cho khách hàng ở Trung Quốc tăng 58% năm 2021, chiếm 29% doanh số bán hàng toàn cầu. Con số này gồm cả doanh số bán hàng cho các công ty không phải của Trung Quốc nhưng có nhà máy ở nước này. Từ 2016 - 2021, doanh số SPE cho khách hàng ở Trung Quốc đã tăng gấp 4,6 lần, bao gồm cả thiết bị đã qua sử dụng. Trung Quốc cũng là khách hàng mua thiết bị sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới trong năm 2020 và 2021.

Theo tổ chức nghiên cứu thị trường IC Insights, các chất bán dẫn được sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2021 trị giá 31,2 tỷ USD, trong đó 12,3 tỷ USD do các công ty Trung Quốc sản xuất. Phần còn lại đến từ các công ty nội địa của TSMC, Samsung, Intel và các công ty nước ngoài khác.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc tiêu thụ lượng chất bán dẫn trị giá 186,5 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 36,5% thị trường thế giới. Chỉ 17% nhu cầu chất bán dẫn của Trung Quốc được đáp ứng từ hoạt động sản xuất trong nước và chỉ 7% bởi chính các công ty của quốc gia này. Những con số này có thể tăng lên, nhưng thực tế Trung Quốc vẫn là thị trường lớn cho các nhà sản xuất chip toàn cầu. Sáu công ty hàng đầu Mỹ - Qualcomm, Intel, Texas Instruments, Broadcom, Nvidia và Micron - bán tổng cộng 75,6 tỷ USD chất bán dẫn tại Trung Quốc năm 2021.

Vấn đề đặt ra là khi Mỹ trừng phạt Huawei, các nhà cung cấp chất bán dẫn và SPE của Mỹ đã thua thiệt về kinh doanh. Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu, nếu Washington tăng cường biện pháp mạnh đối với ngành chip bán dẫn Trung Quốc thì chính họ có thể bị ảnh hưởng, trong khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi chính sách thay thế nhập khẩu, có thể sẽ tiếp tục phát triển. Như vậy, mặt trận mới giữa Mỹ và Trung Quốc trên lĩnh vực chip bán dẫn đang đặt ra nhiều thách thức cho cả đôi bên khi muốn nắm vai trò thống trị toàn cầu.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.