Lần đầu tiên trong 8 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm đặc biệt tới Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (thường gọi là “Tân Cương”). Không chỉ muốn gửi đi thông điệp về tinh thần đoàn kết và thống nhất đất nước, ông Tập còn vạch ra hướng đi mới đầy tham vọng cho khu vực này trong tương lai gần.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào người dân khi tới thăm cộng đồng dân cư Guyuanxiang tại quận Tianshan của thành phố Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương, ngày 13-7-2022. Ảnh: Xinhua |
Nhìn về thời điểm, chuyến công du tới Tân Cương diễn ra chỉ 2 tuần sau chuyến thăm Hong Kong của ông Tập rõ ràng ý nghĩa quan trọng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh Tân Cương sẽ trở thành trung tâm quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước khác, đồng thời cam kết nhiều chính sách mới cho đầu tư và phát triển khu vực.
Ổn định để phát triển
Tới thăm Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương trong 4 ngày (12 đến 15-7), Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh nỗ lực triển khai quyết liệt những quyết định của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (hay Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) đối với công tác điều hành, quản trị Tân Cương trong kỷ nguyên mới, theo Tân Hoa xã.
Trong chuyến đi, ông Tập tới các thành phố Urumqi (âm Hán Việt là “Ô Lỗ Mộc Tề”), Shihezi (Thạch Hà Tử), và Turpan (Thổ Lỗ Phiên), thăm một trường đại học, một khu cửa khẩu quốc tế, khu dân cư, các bảo tàng và nhiều điểm khác tại Tân Cương.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định chính quyền trung ương sẽ tập trung vào mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định xã hội, an ninh và thịnh vượng bền vững cho Tân Cương trên cơ sở tìm kiếm những bước tiến chắc chắn, mở rộng cải cách trên mọi phương diện, thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao cho địa phương này.
Theo Tân Hoa xã, thông điệp của ông Tập ở chuyến đi này rất rõ, đó là Trung Quốc sẽ nỗ lực để xây dựng Tân Cương thành một nơi đẹp đẽ có sự đoàn kết, hài hòa và thịnh vượng, với một nền văn hóa tiên tiến và cuộc sống hạnh phúc cho mọi người dân sở tại.
Ông Tập cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tại cơ sở “giữ vững mục tiêu duy trì sự ổn định về xã hội, chính trị” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt địa phương đạt tới “sự phát triển chất lượng cao” như mục tiêu đặt ra.
“Sự ổn định lâu dài của Tân Cương phụ thuộc vào trái tim của mọi người”, ông Tập nói, lưu ý chính quyền địa phương nên mời thêm du khách nước ngoài tới thăm và trải nghiệm để họ “kể câu chuyện tốt đẹp về vùng Tân Cương của Trung Quốc”, tờ South China Morning Post tường thuật.
Vị thế mới của Tân Cương
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc khi Trung Quốc mở cửa rộng hơn với thế giới, khu vực phía tây đất nước cũng đang ngày một phát triển hơn và sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang được hiện thực hóa và gặt hái nhiều thành quả tích cực trong các năm qua. Theo đó, Tân Cương đã chuyển mình từ một vùng tương đối khép kín thành khu vực năng động và cởi mở hơn.
“Với sự phát triển sâu sắc hơn của quá trình xây dựng vành đai và con đường, Tân Cương giờ không còn là một vùng xa xôi nữa, mà đã trở thành một trung tâm nòng cốt. Các bạn đang làm nên một điều có tầm quan trọng lịch sử và đã đạt được những kết quả tốt đẹp”, báo South China Morning Post dẫn lời ông Tập phát biểu khi tới thăm khu cửa khẩu quốc tế tại Urumqi ngày 12-7.
Theo Phó Giáo sư Lai Hongyi chuyên ngành khoa học xã hội tại ĐH Nottingham, những thông điệp của ông Tập đưa ra tại Hong Kong cũng như Tân Cương là khá tương đồng.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Xie Maosong tại Viện chiến lược và đổi mới sáng tạo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho rằng chuyến đi tới Tân Cương của ông Tập ngụ ý phát đi một thông điệp rằng Tân Cương đã bước vào một giai đoạn phát triển kinh tế mới và Bắc Kinh sẵn sàng dồn nhiều nguồn lực khổng lồ hơn nữa cho khu vực này. “Bắc Kinh nhìn nhận Tân Cương đã chuyển mình từ giai đoạn nhiễu loạn bước vào giai đoạn ổn định. Giờ đây, từ giai đoạn ổn định này, Bắc Kinh muốn tập trung vào vấn đề quản trị và phát triển”, chuyên gia Xie bình luận.
Cũng theo ông Xie, việc ông Tập nhấn mạnh Tân Cương như một trung tâm nòng cốt của chiến lược vành đai và con đường là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng tốc quá trình đầu tư, biến khu vực này thành một cửa ngõ kết nối Trung Quốc với Trung Á và châu Âu. “Bắc Kinh sẵn sàng đổ rất nhiều nguồn lực, bao gồm đầu tư và cả các tài năng. Quy mô sẽ là chưa có tiền lệ”, ông Xie nhận định.
LÂM PHONG