G20 chia rẽ khi ứng phó với thách thức lớn

.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính cùng Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - FMCBG - ở Bali (Indonesia) không ra tuyên bố chung, bất chấp nỗ lực của chủ nhà để sự chia rẽ về xung đột Ukraine không làm chệch hướng chương trình nghị sự.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati (bên trái) gặp gỡ lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali ngày 16-7. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati (bên trái) gặp gỡ lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali ngày 16-7. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AP, các Bộ trưởng Tài chính G20 đồng thuận mạnh mẽ về giải pháp an ninh lương thực và năng lượng, song không có tiếng nói chung liên quan đến vấn đề Nga - Ukraine và hậu quả của nó đối với tình trạng lạm phát toàn cầu đang ở mức báo động.

Khác biệt không thể dung hòa

Theo trang CNBC, Indonesia - nước Chủ tịch G20 năm 2022 - đưa ra “Tuyên bố của Chủ tịch G20” gồm 14 đoạn thay cho thông cáo chính thức khi kết thúc FMCBG ngày 16-7 (giờ địa phương). Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati lý giải, các nước nhất trí về hầu hết các điểm, nhưng vẫn vấp phải sự khác biệt không thể dung hòa tại 2 điểm liên quan đến tác động của xung đột Nga - Ukraine và cách ứng phó với vấn đề này. Bà Indrawati cho hay, quyết định của nước Chủ tịch G20 được đưa ra “trong một tình huống rất thách thức và khó khăn do căng thẳng địa chính trị”.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính của Mỹ, Úc và Canada nhận định: Nga phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gây ra “làn sóng chấn động đối với nền kinh tế toàn cầu”, đặc biệt làm giá cả leo thang chóng mặt. Tuy nhiên, Moscow quy trách nhiệm cho các lệnh trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây đang làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và khủng hoảng lương thực.

Theo trang France24, ông Eric LeCompte, Giám đốc điều hành Mạng lưới Jubilee USA - tổ chức phi chính phủ chuyên vận động hành lang cho vấn đề nợ của các quốc gia đang phát triển - cho rằng việc hủy bỏ thông cáo chung đồng nghĩa G20 sẽ gặp khó khi xây dựng sự đồng thuận về những vấn đề quan trọng tại cuộc họp của nhóm này vào mùa thu tới. Nói cách khác, sự chia rẽ nội bộ cản trở khả năng G20 hành động quyết đoán cũng như khiến thế giới đối mặt với nhiều khó khăn. Trước đó, G20 kêu gọi các bên liên quan chấm dứt xung đột Ukraine ngay lập tức, tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán và ngoại giao. 

Gỡ “nút thắt” về tiền tệ, an ninh lương thực

Dù không đạt tuyên bố chung nhưng FMCBG chứng kiến một số “tiến bộ hơn mong đợi”; trong đó phần lớn các bên đều nhất trí về các vấn đề, bao gồm cải thiện an ninh lương thực; tạo Quỹ trung gian tài chính (FIF) để ứng phó với đại dịch Covid-19, hướng tới hiệp định thuế toàn cầu và tạo điều kiện tài chính cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên tồi tệ khi xung đột ở Ukraine làm hạn chế việc cung cấp thực phẩm, phân bón và nhiên liệu đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các quốc gia ở châu Phi và Trung Đông. Các bên nhất trí phối hợp hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề này dựa trên tinh thần hợp tác và phát huy chủ nghĩa đa phương.

Theo France24, để tránh rơi vào khủng hoảng lương thực, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng các tổ chức khác kêu gọi hành động trong 4 lĩnh vực: hỗ trợ người dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương; tạo thuận lợi thương mại; thúc đẩy sản xuất lương thực; đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một điểm sáng đáng chú ý khác là G20 đạt cam kết về chính sách kinh tế vĩ mô được hiệu chỉnh tốt để giải quyết tình trạng lạm phát và tăng trưởng chậm, theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia Perry Warjiyo. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, các bên tái khẳng định tầm quan trọng của chính sách tiền tệ. Cụ thể, các cuộc đàm phán về thay đổi quy tắc thuế quốc tế đã đạt tiến bộ và các nước dự kiến áp đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% toàn cầu năm 2024.

Ngày 16-7, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi G20 hành động khẩn cấp để giải quyết lạm phát, đồng thời cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể trở nên tồi tệ hơn nếu giá cả hàng hóa tiếp tục leo thang. Dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm ở mức 2,9% trong năm 2022, trong khi lạm phát leo thang đến 8,7% tại các nước đang phát triển. Đây cũng là thời điểm cần có các cơ chế giải quyết nợ khi hơn 30% nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, cùng 60% quốc gia thu nhập thấp, đang hoặc gần nguy cơ không thể trả nợ.

Bà Georgieva cho biết, những cam kết bổ sung cho Quỹ giảm nghèo và tăng trưởng bền vững (PRGT) của IMF - chương trình cho vay ưu đãi dành cho các nước nghèo - sẽ sớm được xúc tiến. Các nước G20 đã cam kết gần 10,5 tỷ USD cho PRGT, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu.

Hàng loạt nền kinh tế lớn đang đối mặt với tình trạng lạm phát ở mức đáng lo ngại, trong đó có Ý, Đức và Mỹ. Indonesia vẫn nỗ lực kêu gọi các bên gạt mọi bất đồng. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Indrawati nói rõ: “Thế giới cần hợp tác nhiều hơn nữa. Bất kể quốc gia nào... cũng không thể giải quyết vấn đề này một mình. An ninh lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch..., tất cả đều có mối liên hệ với nhau”.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.