Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn dự luật với mức chi ngân sách khổng lồ 280 tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn vốn được coi như “xương sống” của công nghệ hiện đại.
Lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện (trái) cho biết đã bàn thảo về dự luật tài trợ cho ngành công nghiệp chip và bán dẫn trong hơn 3 năm qua. Ảnh: Reuters |
Dù sẽ còn phải qua khâu bỏ phiếu tại Hạ viện trước khi Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn, nhưng có thể thấy rõ các khâu này chỉ còn là thủ tục khi đảng Dân chủ - đảng đang chiếm đa số tại Hạ viện - và Tổng thống Joe Biden ủng hộ mạnh mẽ dự luật này.
Động thái hiếm thấy
Việc thông qua dự luật cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc Mỹ thiếu chiến lược ứng phó dài hơi trước sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc trong những năm qua. Tâm lý lo ngại này càng tăng lên trong đại dịch Covid-19 khi xảy ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung chip từ châu Á.
Theo Wall Street Journal, dự luật với tên chính thức “Đạo luật chip và khoa học 2022” (The CHIPS and Science Act of 2022) sẽ dành 52,7 tỷ USD cho hỗ trợ tài chính trực tiếp với việc xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất chất bán dẫn, đồng thời bổ sung 24 tỷ USD cho các chính sách ưu đãi về thuế và các điều khoản khác. Ngoài 39 tỷ USD cho sản xuất chất bán dẫn, dự luật cũng dành 11 tỷ USD cho nghiên cứu sản xuất và đào tạo nhân sự, cũng như 2 tỷ USD để thúc đẩy ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào quân sự và các ngành khác. “Điều đó có nghĩa các chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ bền vững hơn, do đó chúng ta sẽ không bao giờ còn lệ thuộc vào các nước bên ngoài về những công nghiệp thiết yếu mà chúng ta cần”, Tổng thống Joe Biden - người ủng hộ mạnh mẽ dự luật - nói về ý nghĩa lâu dài của văn kiện này. Ông Biden tin rằng, với đạo luật này, nhiều việc làm trong lĩnh vực sản xuất sẽ được mang lại về nước Mỹ.
Thực tế, việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn một dự luật ủng hộ cho một ngành công nghiệp cụ thể như vậy là động thái hiếm thấy, nếu không muốn nói đó là kiểu chính sách lâu nay Washington thường né tránh. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng, sự thay đổi đó là cần thiết để nước này có thể duy trì vị trí cạnh tranh của nền kinh tế số một thế giới.
Chẳng hạn như quan điểm của thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ: “Vào những năm 1970 và 1980 các doanh nghiệp của chúng ta có thể tự mình hoạt động tốt. Nhưng trong thế kỷ 21, khi các nước như Trung Quốc và Đức đang đầu tư mạnh mẽ, chúng ta khoanh tay ngồi nhìn và rồi ai sẽ thua thiệt đây? Đó là người lao động Mỹ, vị thế chi phối của nền kinh tế Mỹ và an ninh quốc gia của chúng ta”. Cũng cần phải nói thêm là dự luật này đã được rậm rịch bàn thảo suốt hơn 3 năm qua. Ông Schumer cho biết đã thảo luận lần đầu với Thượng nghị sĩ Todd Young (đảng Cộng hòa) về đạo luật vào năm 2019.
Sức ép từ các “ông lớn” công nghệ
Hầu hết các chip hiện nay không sản xuất tại Mỹ, theo Wall Street Journal. Bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo đã vận động các nghị sĩ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thông qua dự luật khi nêu ra các lo ngại về an ninh quốc gia khi nước Mỹ phải lệ thuộc vào Đài Loan (Trung Quốc) cũng như các đối thủ khác về chất bán dẫn. Nhiều quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc cũng trình bày trước Quốc hội về những lo ngại tương tự.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng chịu sức ép rất lớn từ các nhà sản xuất chip như Intel và GlobalWafers. Các “ông lớn” này cho biết, nếu không sớm thông qua đạo luật về chip và khoa học, họ sẽ triển khai các dự án xây dựng nhà máy tại châu Âu hoặc châu Á.
Các công ty sẽ được hưởng ngân sách hỗ trợ trong gói dự luật mới vừa thông qua sẽ gồm có các tập đoàn Intel, TSMC chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan (Trung Quốc), GlobalFoundries, Micron Technology, và Applied Materials.
Theo nhận định của ông Jason Oxman, Chủ tịch Hội đồng công nghiệp công nghệ thông tin - hiệp hội thương mại có trụ sở tại thủ đô Washington DC mà Intel, công ty Toyota Motor và công ty Amazon là thành viên, các công ty sản xuất chất bán dẫn và các công ty sử dụng chất bán dẫn đại diện cho hầu hết hệ sinh thái doanh nghiệp tại Mỹ.
Theo chuyên trang công nghệ Techcrunch, trong các năm qua, nhiều công ty cam kết xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ, trong đó có TSMC với kế hoạch xây dựng khu sản xuất trị giá 12 tỷ USD tại bang Arizona, tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) năm ngoái cam kết xây dựng khu sản xuất trị giá 17 tỷ USD tại bang Texas. Tuần này, tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đã hội đàm trực tuyến với Tổng thống Joe Biden, cho biết dự định đầu tư 22 tỷ USD cho các dự án về chất bán dẫn, năng lượng xanh và khoa học sinh học tại Mỹ. |
LÂM PHONG